Tan tầm, hàng chục người dân ở khu tập thể ĐH Thủy Lợi (phường Trung Liệt, Đống Đa) lại kéo nhau đi xách nước. Nhà nào neo phải thuê người gánh hoặc hùn tiền gọi xe chở nước sạch. Những gia đình ở tầng cao của dãy nhà tập thể đều phải tìm đủ mọi cách để tích trữ nước. Trong các gian bếp bày đầy các loại can nhựa, xô chậu lớn, bé.
Theo ông Phạm Văn Khang (phòng 309 nhà 9), mùa hè năm nay người dân khu tập thể luôn thường trực cảnh khát nước sạch. Hầu hết các gia đình đều phải sắm máy bơm hút nước từ bể của khu tập thể nhưng chỉ được bữa đực bữa cái do bể này cũng luôn trong tình trạng khô cạn.
"Sinh hoạt thường nhật của người dân ở đây đảo lộn nghiêm trọng. Đàn ông trong khu từ sáng tinh mơ tới tối mịt lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào có đủ nước cho gia đình mình dùng trong ngày", ông Khang nói.
Nhiều người dân sống ở khu tập thể này cho biết, họ đã phải tìm đủ mọi cách để thích nghi với tình trạng thiếu nước kéo dài nhiều tháng nay. Mọi sinh hoạt của đều được tính toán để làm sao tiết kiệm nước. Thậm chí, đến việc tập thể dục cũng phải hạn chế nên khoảng sân xi măng rộng rãi giữa các dãy nhà mùa hè này không còn cảnh nhộn nhịp người đánh cầu lông như mọi năm.
Người dân tại khu tập thể ĐH Thủy Lợi nhiều tháng nay luôn bị thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo bà Nguyễn Thị Chiên, tổ trưởng dân phố 39, hiện khu tập thể có 3 dãy nhà với gần 100 hộ dân đang chịu cảnh thiếu nước. Nguyên nhân là do sự thiếu thống nhất giữa trường ĐH Thủy Lợi và Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội dẫn đến khi bàn giao việc cấp nước sót mất 3 dãy nhà này. Họng nước đã về tới tận nhà nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng.
Tại một số khu dân cư khác thuộc quận Đống Đa như ngõ 3 phố Thái Hà, ngõ chùa Mỹ Quang (phường Trung Phụng), hàng chục hộ dân cũng chịu chung hoàn cảnh tương tự. Có nơi bị cắt nước nhiều ngày liền mà không thông báo.
Lách chiếc xe đạp qua con ngõ dài hun hút, chị Khánh (nhà 32 ngõ chùa Mỹ Quang) chở đống quần áo vừa giặt, phơi khô bên nhà bà ngoại về. Theo chị, việc thiếu nước đã xảy ra với cả ngõ từ nhiều năm nay nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây là căng thẳng nhất, cảnh tắm giặt nhờ là việc phổ biến.
"Có đợt nhiều hôm liền không có giọt nào, chúng tôi phải kéo hàng trăm mét ống nước sang ngõ khác xin. Những nhà cuối ngõ hiện đều đào giếng khoan tự bơm nước dùng hết rồi", chị Khánh cho biết.
Cũng theo chị Khánh, bên công ty kinh doanh nước sạch đã có kế hoạch cải tạo đường ống cấp nước qua ngõ chùa Mỹ Quang những mãi vẫn chưa hoàn thiện. Đường ống dẫn nước đã kéo sâu vào trong ngõ nhưng chưa thông.
Chỉ vào vết cắt bê tông đoạn ngõ qua nhà mình, chị Khánh thở dài nói: "Chỗ này họ đánh dấu từ hồi tháng 5 mà đến giờ vẫn chưa đặt ống nước. Không biết bao giờ chúng tôi thoát khỏi cảnh này".
Đường ống dẫn nước đã kéo vào sâu trong ngõ chùa Mỹ Quang nhưng chưa nối thông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Thanh tra (Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội) cho biết, những khu vực người dân phản ánh thiếu nước đều nằm trong dự án cải tạo, hoàn thiện hệ thống cấp nước toàn thành phố. Những khu dân cư họng nước đã kéo đến nhưng chưa có nước là do chưa thỏa thuận xong hợp đồng với các xí nghiệp thành viên của công ty.
Cũng theo ông Huy, việc một số khu dân cư bị cắt nước đột ngột gần đây là do tình trạng thiếu điện trên toàn thành phố, công ty bị cắt điện nhiều lần không được thông báo nên kế hoạch cấp nước bị gián đoạn.
Theo VnExpress