Cách đây mấy hôm, có một người đàn ông hớt hải đến trực ban của một đơn vị Công an TP Hà Nội báo tin, vợ anh tên là Nguyễn Thị Mai (tên của nhân vật trong bài đã thay đổi) bị bắt cóc.
Buổi trưa, khi cả nhà đi làm về thì không thấy chị Mai đâu cả. Trong lúc nháo nhác đi tìm, anh và một số người trong gia đình nhận được tin nhắn của chị Mai kêu cứu rằng đang bị một nhóm đối tượng bắt cóc, đưa vào biên giới Tây Ninh để mang sang Campuchia bán.
Những tin nhắn kêu cứu thảm thiết của người vợ trẻ khiến anh chồng và cả gia đình nháo nhác. Nhưng họ đang ở tận phía Bắc, khả năng giải cứu con tin rất khó khăn. Vì thế gia đình đã đến cơ quan Công an nhờ giúp đỡ.
Sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, các trinh sát hình sự nhận nhiệm vụ tiến hành điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các anh phát hiện chị Mai đang được di chuyển trên một chiếc xe ô tô khách vào các tỉnh phía Nam.
Các trinh sát nhận định nếu bọn bắt cóc có ý định đưa chị Mai sang Campuchia bán như chị nhắn về thì chặng đường xuống của chúng và chị Mai sẽ là Bến xe miền Đông của TP Hồ Chí Minh.
Một tổ công tác lập tức mua vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh đón đầu chuyến xe của nhóm bắt cóc. Vào đến nơi, một trinh sát đón ngược xe ra Thủ Đức để chờ chiếc xe nghi vấn đến. Trong vai một hành khách lỡ chuyến, trinh sát lên xe để quan sát trước sự việc. So với tấm ảnh gia đình cung cấp, trinh sát nhận ngay ra người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai đang ngồi trên xe.
Nhưng cô này ngồi một mình, chẳng có biểu hiện gì của việc sợ sệt, xung quanh cũng không có ai có biểu hiện là đối tượng bắt cóc, khống chế. Chưa muốn lật màn kịch, trinh sát theo Mai xuống Bến xe miền Đông.
Lúc này, mũi trinh sát đón lõng ở Bến xe miền Đông cũng có mặt. Mai rút điện thoại di động gọi cho ai đó, rồi đứng đợi. Một lúc sau, một người đàn ông chạy xe máy tới đón Mai. Khi 2 người chập vào nhau, các trinh sát xuất hiện và yêu cầu về trụ sở Công an phường gần nhất để làm rõ.
Đúng là chẳng có vụ bắt cóc nào xảy ra cả. Cách đây nửa tháng, Mai nhận được một cuộc điện thoại di động gọi nhầm của một người đàn ông phương Nam.
Nếu mọi chuyện dừng lại ở một câu xin lỗi nhầm máy thì đã không có gì đáng nói. Đằng này, một bên thấy giọng người phụ nữ trẻ đáng yêu, một bên thấy tiếng đàn ông Nam Bộ ngọt ngào, dễ nghe. Hai bên đã làm quen và qua lại trò chuyện bằng những cuộc điện thoại. Rồi chuyện không dừng lại, họ đã hẹn nhau cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Bến xe miền Đông.
Về phía Mai, cô háo hức muốn đi theo tiếng gọi của người đàn ông lạ, nhưng lại cũng lo để có cửa quay về với chồng và gia đình. Thế là cô tự dựng ra chuyện bị bắt cóc…
Việc tự tạo ra các vụ bắt cóc "ảo" hiện nay đã không còn là trường hợp cá biệt. Có trăm lý do mà các "con tin bất đắc dĩ" này khi bị lật màn kịch đưa ra. Đó là đi theo tiếng gọi của tình yêu, đó là cần người thân viện trợ một khoản tiền để kinh doanh hay chơi game…
Trong một trường hợp khác, Trần Thị Huyền, 16 tuổi, khi hết tiền chơi game, đã bàn với một người bạn giả vờ bắt cóc mình để tống tiền 15 triệu đồng đối với chính người yêu cô ta.
Anh này do sợ ảnh hưởng đến tính mạng của người yêu đã vội vã đến nhờ sự giúp đỡ của Công an Hoàn Kiếm. Khi các trinh sát tiến hành xác minh, điều tra, bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ mới tìm ra "con tin" đang say sưa ngồi chơi game chịu tại một hàng Internet chờ người bạn mang số tiền tống được của người tình đến...
Theo các trinh sát hình sự, những vụ "bắt cóc ảo" kiểu này rất gây phiền toái và khó khăn cho lực lượng Công an. Mà hầu hết đơn vị nào cũng từng một lần bị rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" như thế. Xử lý với các đối tượng này thì rất khó, đa số là không xử lý hoặc xử lý hành chính.
Thiết nghĩ, tự mình tạo ra các vụ bắt cóc "ảo", gây ảnh hưởng đến các cơ quan bảo vệ pháp luật như trên cũng cần phải có một chế tài xử lý thật nghiêm. Nếu không, sẽ ngày càng nhiều đối tượng vi phạm, vì cá nhân mình mà ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như sự ổn định của an ninh trật tự khu vực
Theo TPO