Chiều 18/4, UBND Hà Nội đã họp bàn về dự thảo đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2030.
Theo Sở Giao thông Vận tải, xét về mặt hiệu quả vận tải, taxi không thể so với các loại hình vận tải khách công cộng vừa (xe buýt) và khối lớn (BRT, Metro), nhưng có hiệu quả vận chuyển hơn phương tiện cá nhân. Vì vậy, taxi không được khuyến khích phát triển tại Hà Nội nhưng vẫn được tồn tại ở mức độ phù hợp nhằm hỗ trợ cho vận tải khách công cộng và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ban soạn thảo đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn đến năm 2020, bao gồm: bổ sung điều kiện kinh doanh; phân vùng hoạt động; quản lý khai thác vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung; quản lý đối với phương tiện; kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải khách bằng taxi và các giải pháp quản lý hỗ trợ khác.
3 năm tới, taxi Hà Nội sẽ bị hạn chế hoạt động. Ảnh: Bá Đô. |
Về lộ trình, giai đoạn 2012-2015 sẽ tập trung hạn chế phương tiện trong vùng trung tâm, trong đó tập trung vào các giải pháp như: tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi; thực hiện đấu thầu khai thác taxi trong trung tâm; taxi phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; taxi trong vùng trung tâm được đón trả khách ở ngoài và các phương tiện taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm không được vào trong vùng đón khách.
Giai đoạn này, các xe sẽ được đăng ký mới thực hiện chuyển đổi màu sơn và mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn. Phương tiện này phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn và mẫu hóa đơn do Sở Tài chính ban hành.
Với các giải pháp đề ra, dự báo tổng số taxi toàn thành phố đến năm 2015 khoảng 21.000 xe và đến 2020 khoảng 26.000 xe (riêng khu vực trung tâm năm 2015 có khoảng 10.000 xe; năm 2020 có khoảng 12.500 xe).
Tại cuộc họp, đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, cho rằng đề chấn chỉnh hoạt động của taxi cần chia theo vùng, từ đó đấu giá hoạt động của taxi theo từng vùng để hạn chế ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, thành phố nên tạo điểm đỗ, điểm đón hành khách để cho đảm bảo an toàn.
Đại diện Sở Tư pháp nhận xét, ngành giao thông cần đánh giá tác động khi đưa các phương án quản lý, chú trọng giải pháp hạn chế taxi hoạt động trong vùng trung tâm. Ngoài ra, cần có phương án cho khách ngoài vành đai 3 muốn đi vào trung tâm bằng taxi nếu áp dụng biện pháp phân vùng.
Thống nhất các giải pháp mà đề án đưa ra, tuy nhiên Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu ngành giao thông đánh giá hoạt động taxi trong 10 quận nội thành về khả năng gây ùn tắc giao thông cũng như hiệu quả sử dụng. Ngoài ra, cần nêu ra hạn chế của các doanh nghiệp taxi hiện nay để có phương án quản lý.
Phó chủ tịch yêu cầu cơ quan soạn thảo nhanh chóng hoàn chỉnh đề án để trình Thường trực Thành ủy Hà Nội vào tháng 5 tới.
Đoàn Loan