Theo ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sau khi điều chuyển, sắp xếp lại gần 1.000 lượt tuyến xe khách tại các bến xe, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn hơn 400 lượt lượt xe khách liên tỉnh chạy qua khu vực nội thành.
Hơn 400 lượt xe khách này từ các tỉnh phía Nam chạy đến các tỉnh phía Bắc và ngược lại đã được Tổng Cục đường bộ chấp thuận tuyến, như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn….
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, các lượt xe này chỉ chạy qua địa bàn Hà Nội và không được phép đón, trả khách trên đường. Tuy nhiên, khi chạy qua các tuyến đường trong khu vực nội đô ngoài dừng đỗ, đón trả khách, các xe này còn làm mật độ phương tiện tăng cao, gây ùn tắc giao thông.
Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT phương án đổi lộ trình của trên 400 lượt xe khách liên tỉnh chạy qua Hà Nội.
Theo phương án điều chỉnh của Sở GTVT Nội, khi từ các tỉnh phía Nam Hà đi các tỉnh phía Bắc, đến Hà Nội các xe sẽ chạy theo hướng: QL1 (cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ) - đường vành đai 3 trên cao - cầu Thanh Trì - đường Nguyễn Văn Linh – đường kéo dài – cầu Đông Trù - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Võ Văn Kiệt - Bắc Thăng Long hoặc QL1 - QL3) và ngược lại...
Các tuyến từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam Hà Nội, như: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc Hà Nội, như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu… chạy theo lộ trình: QL5 cũ hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng – cầu Đông Trù - QL2 hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và ngược lại.
Với các tuyến từ bến xe Sơn Tây (Hà Nội) đi các tỉnh phía Nam, như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, TP HCM… đang có hành trình hoạt động theo QL32 - đường Vành đai 3 trên cao - Pháp Vân - Cầu Giẽ - QL1A được điều chỉnh hành trình theo hướng đường QL21 - Xuân Mai - đường Hồ Chí Minh về các tỉnh phía Nam và ngược lại.
Quốc Vinh