Hà Nội dễ bị rung động do nền đất xấu

Thưa ông, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được gì từ trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc?

- Chúng tôi ghi nhận, lúc 13h28 (giờ Việt Nam), động đất xảy ra ở phía đông tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cách Hà Nội khoảng 1.150 km. Cường độ là 7,8 độ richter, tâm chấn sâu 10 km. Sau động đất có 2 dư chấn mạnh 6,5 độ richter lúc 13h38 và 5 độ richter lúc 13h43. Từ tâm chấn, động đất lan tỏa tới Hà Nội. Thiết bị của chúng tôi ghi nhận Hà Nội chấn động cấp 3. 

- Ông dự báo thế nào về khả năng dư chấn tiếp theo của trận động đất ở Trung Quốc?

- Sau một trận động đất bao giờ cũng có dư chấn, thậm chí kéo dài tới cả năm sau đó. Lúc đầu dư chấn mạnh, sau đó giảm dần. Hà Nội cách tâm chấn trên 1.000 km nên ít khả năng cảm nhận dư chấn. Người dân Hà Nội chỉ nhận biết rung động từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter.

- Chấn động cấp 3 tại Hà Nội có thể gây thiệt hại thế nào? 

- Chấn cấp 3 gây rung động yếu, chỉ ít người cảm nhận và không gây thiệt hại. Cần phân biệt giữa độ richter và chấn cấp. Chấn cấp là cường độ rung động tại một vị trí nào đó. Còn độ richter là năng lượng của trận động đất, là khả năng gây chấn động.

Thang động đất MSK có 12 chấn cấp. Tới chấn động cấp 6 mới làm nứt tường nhà, khiến nhiều người và con vật sợ hãi. Cấp 7 sẽ gây khiếp sợ cho người dân, làm hư hại công trình xây dựng, làm cạn khe suối, sụt lở taluy. Cấp 8 sẽ gây phá hủy một số nhà cao tầng, trượt lở đất và xuất hiện khe nứt nhỏ trên mặt đất. Rung động cấp 12 sẽ làm địa hình đảo lộn, tất cả công trình xây dựng bị phá hủy.

Từ tòa nhà Vincom (Hà Nội), người dân tràn ra đường. Ảnh: Hoàng Hà.

- Từ Trung Quốc, động đất lan xa tới tận Hà Nội, nhưng tại sao các tỉnh biên giới và lân cận Hà Nội không cảm nhận được gì?

- Do nền đất của các tỉnh khác nhau. Tỉnh miền núi nền đất rắn chắc, ít có nhà cao tầng nên không cảm nhận được. Hà Nội nền đất yếu, điều kiện địa chất công trình kém (do nằm trên lòng sông cổ từ Hồ Tây đến Hoàn Kiếm) nên dao động bị cộng hưởng, từ đó dễ cảm nhận thấy rung động. Tuy nhiên, với chấn cấp 3 thì chỉ những người tầng cao (ít nhất phải tầng 6-7) mới cảm nhận được.

Ngay tại Hà Nội, nền đất không đồng nhất nên cảm nhận rung động từ lòng đất ở các khu vực cũng khác nhau. Phía bắc sông Hồng như Đông Anh, Sóc Sơn, đất rắn chắc nên ít thấy gì. Còn quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phía nam Hà Nội như quận Hai Bà Trưng, Thanh Trì, đất xấu, rất dễ nhận biết động đất.

- Với nền đất yếu, khả năng chống lại động đất của các công trình xây dựng lớn ở Hà Nội thế nào?

- Với các công trình lớn như cầu Thăng Long, Chương Dương, tôi biết chắc chắn đã được nghiên cứu phòng chống động đất. Còn các tòa nhà cao tầng, Bộ Xây dựng đã quy định khi xây phải tính đến yếu tố chống động đất cấp 7-8, bởi Hà Nội trong bản đồ phân vùng có thể chịu ảnh hưởng của động đất cấp 8. Thỉnh thoảng có một số chủ công trình lớn đến liên hệ với chúng tôi để xin tài liệu về động đất.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng xảy ra động đất ở Việt Nam?

- Việt Nam hay xảy ra động đất, nhưng cường độ nhỏ. Trung bình mỗi năm vùng Tây Bắc có 3-4 trận với cường độ trên 4 độ richter. Sở dĩ khu vực này hay có động đất là nằm trên vết đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, Sơn La, sông Mã. Gần đây nhất, tháng 2 vừa qua, tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, có một trận cường độ 3,9 độ richter và không lan tỏa tới Hà Nội.

Chúng tôi thường chỉ công bố trận động đất mạnh từ 4 độ richter trở lên. Những trận mạnh từng được ghi nhận là vào năm 1968 ở Yên Thế, Bắc Giang với cường độ 5,5 độ richter. Tháng 1/2001 tại Điện Biên, cách biên giới Việt - Lào 12 km, cũng có một trận cường độ 5,3 độ richter.

Từ đó đến nay, tại Việt Nam chưa có trận động đất nào vượt quá cường độ trên.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11770
Số người truy cập:
9259221