Rời khỏi đất nước hơn 30 năm, nhưng lại thường xuyên về Việt Nam để trao đổi, giảng dạy, GS toán học Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp) đã có những góc nhìn rất thú vị về trình độ tiếng Anh hạn chế của người Việt.
Bài báo bằng tiếng Anh của một số GS, TS Việt Nam: "Câu cú viết sai lung tung cả"
Thưa ông, TS Hồ Bất Khuất, một người đã từng du học phỏng đoán: Nếu bây giờ bắt thi sát hạch thì có tới 20% tân GS, PGS không dám tham gia, 30% sẽ như gà mắc tóc. Ông suy nghĩ gì về con số này?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi đoán thì con số thực tế có thể còn cao hơn thế. Họ sẽ rất sợ sát hạch tiếng Anh. Khái niệm "thạo tiếng Anh" là một khái niệm khá tương đối ở Việt Nam, và có GS tự ghi là "thạo tiếng Anh" nhưng chưa chắc đã biết tiếng Anh tốt bằng một học sinh trung học cơ sở.
TS Trần Vinh Dự, hiệu trưởng một trường cao đẳng, người cũng đã từng du học ở nước ngoài, phát biểu: Đọc tóm tắt luận văn tiến sĩ bằng tiếng Anh của một số vị tiến sĩ, thấy trình độ ngoại ngữ ngô nghê hơn cả google translate. Trong quá trình nghiên cứu và công tác mấy chục năm qua, ông đã từng gặp những trường hợp như vậy?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Trong lúc khảo sát một số bài báo bằng tiếng Anh của một số nhân vật GS, TS ở Việt Nam liên quan đến vấn đề đạo văn và giả khoa học, tôi gặp tình huống tương tự như điều TS Trần Vinh Dự nói, tức là viết sai câu cú lung tung cả.
Trình độ tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung của đội ngũ "trí thức tinh hoa" ở Việt Nam, ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nghiên cứu và việc công bố những công trình khoa học, sáng kiến của họ trên những diễn đàn, tổ chức quốc tế, thưa ông?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi thì riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, tiếng Anh chưa phải vấn đề quan trọng nhất, vì nếu có kém tiếng Anh vẫn có thể nhờ, thuê người dịch tiếng Anh cho đúng, và luyện nói để bài báo cáo của mình khiến người khác hiểu được.
Vấn đề quan trọng nhất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng khoa học là sự thiếu đầu tư và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.
Với một người đã sống và làm việc nhiều chục năm tại nước ngoài, theo cá nhân ông, những nguyên nhân quan trọng nào đã khiến cho trình độ ngoại ngữ của người Việt không mấy tiến triển?
GS Nguyễn Tiến Dũng: So với ngày trước thì thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn nhiều thế hệ cả thế hệ già và trung niên, và do đó nhìn chung cũng dễ có trình độ ngoại ngữ cao hơn.
Phần lớn giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam phát âm rất khó nghe
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016, trên 50% giáo viên tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc THCS và 73,88% cấp THPT chưa đạt chuẩn. Cải thiện tỉ lệ này không thể một sớm một chiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến các phụ huynh chọn việc cho con học ngoài giờ tại các Trung tâm ngoại ngữ. Ông có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Mỗi ngoại ngữ có những đặc thù của nó. Riêng đối với học tiếng Anh, cần được học phát âm đúng (thay vì phát âm sai) ngay từ đầu, vì "nói ngọng" thì rất khó sửa về sau.
Tuy nhiên, do trước kia thiếu điệu kiện để học phát âm cho đúng, nên phần lớn giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam phát âm rất khó nghe. Để tránh điều này, cả giáo viên và học sinh cần được nghe nhiều audio/video tiếng Anh do những người nói thạo tiếng Anh (như tiếng mẹ đẻ) nói.
Ngoại ngữ là thứ có thể tự học. Bản thân tôi cả hai thứ tiếng Anh và Pháp đều là tự học. Có thể biến sách vở, bạn bè giao tiếp v.v. thành "thầy" của mình.
Tất nhiên, có thầy tốt thì tiến nhanh, đối với gia đình có điều kiện thì học một thầy một trò hay trong những lớp nhỏ với thầy tốt bản địa chắc sẽ rất ổn. Nhưng nếu không may mắn, gặp phải thầy dở hoặc lớp quá đông đúc lộn xộn thì có khi tự học còn hơn.
Học tiếng là phải học đều đặn hàng ngày, nhúng mình trong thứ tiếng đó (kiểu như ngôn ngữ thứ 2 – ESL), thì mới tiến nhanh và khỏi bị quên. Ngày nay, điều kiện để học tiếng Anh hàng ngày có nhiều và phong phú hơn ngày xưa rất nhiều, nên tận dụng chúng.
Ví dụ, có thể kết bạn online để giao tiếp tiếng Anh, xem thời sự bằng tiếng Anh, xem các chương trình học tiếng Anh trên mạng, đọc sách song ngữ đồng thời nghe audio/video tiếng Anh tương ứng (chúng tôi cũng có làm các sách kiểu này cho người học tiếng Anh).
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: "Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh. Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh". Theo ông, cánh cửa tiếng Anh quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam?
GS Nguyễn Tiến Dũng: Tiếng Anh ngày nay đã trở thành thứ tiếng giao dịch "de factor" của toàn thế giới, nên muốn hội nhập thế giới để đi lên, không chỉ về kinh tế mà còn về tất cả mọi khía cạnh khác của cuộc sống, thì biết tiếng Anh là rất quan trọng.
Phần lớn dân chúng ở nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, v.v. ngày nay nói tiếng Anh thạo gần như tiếng mẹ đẻ. Ở nhiều nước mà ngày xưa có rất ít người biết ngoại ngữ, như là Trung Quốc và Hàn Quốc, thì phong trào học tiếng Anh cũng rất mạnh. Bởi vậy, tiếng Anh có vai trò gần như là "visa" để đi ra thế giới.
Nhân tiện nói thêm, do sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì các nước phương Tây hiện tại lại rất quan tâm đến tiếng Trung Quốc, và tiếng Trung Quốc đang trở thành thứ tiếng quan trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau tiếng Anh.
GS Nguyễn Tiến Dũng hiện đang giảng dạy ở Đại học Toulouse, Pháp. Năm 2007, Nguyễn Tiến Dũng được Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng nhất, lúc mới 37 tuổi. Năm 2015, ông được phong hàm giáo sư hạng đặc biệt.
GS Dũng nghiên cứu và giảng dạy: Hình học vi phân, hình học simpletic, hình học Poisson, lý thuyết ergodic và hệ động lực, vật lý toán, phương pháp toán trong tài chính, lý thuyết độ phức tạp, toán trong trí tuệ nhân tạo…
Ông vẫn giữ kỷ lục là thí sinh Việt nhỏ tuổi nhất giành HCV Olympic Toán quốc tế.
Dù rời đất nước hơn 30 năm, nhưng ông vẫn giữ quốc tịch và thường xuyên về giảng dạy, trao đổi học thuật tại Việt Nam.
theo Trí Thức Trẻ