Grab vừa "kêu cứu" Thủ tướng, Hiệp hội vận tải liền "kể tội" Grab

 

(NLĐO)- Ngay sau khi Grab có văn bản "kêu cứu" Thủ tướng Chính phủ vì lo ngại bị áp hoạt động giống taxi truyền thống trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, Hiệp hội vận tải cũng đã có văn bản gửi Chính phủ "kể tội" Grab.

 
Grab vừa kêu cứu Thủ tướng, Hiệp hội vận tải liền kể tội Grab - Ảnh 1.

Xe Grab hoạt động tại TP HCM- Ảnh: Gia Minh

Ngay sau khi Công ty TNHH Grab có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lập tức Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) Nguyễn Công Hùng cũng ký văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiến nghị về những bất cập trong tờ trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. 

Grab là DN kinh doanh vận tải taxi?

Trong văn bản này, đại diện VATA cho rằng taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý. 

Do đó, VATA đề nghị cần xác định đúng loại hình và biện pháp quản lý đối với taxi, tránh đánh tráo khái niệm, cố tình ngụy biện xếp sai loại hình, gây bất bình đẳng vì lợi ích nhóm.

Ông Nguyễn Công Hùng cũng cho biết từ khi có Uber, Grab, các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống đã có những thay đổi nhanh để bắt kịp; thậm chí sáp nhập với nhau để tạo nên tổ chức lớn hàng ngàn phương tiện để nâng cao chất lượng và lợi ích cho khách hàng đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. 

Lãnh đạo VATA đánh giá Grab đã lợi dụng quyết định 24/QĐ-BGTVT để vi phạm pháp luật. "Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đã chỉ ra Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Thực tế, Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun" - văn bản của VATA viết.

"Cụ thể, Grab tuyển tài xế, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và tăng giảm giá, thu tiền trực tiếp của khách vào tài khoản Grab; thực hiện chương trình khuyến mại có cả đi xe giá 0 đồng" - VATA nêu.

"Viện Kiểm sát cho rằng đủ cơ sở xác định Grab là DN kinh doanh vận tải taxi. Đối chiếu các quy định của pháp luật, Grab đã vi phạm khoản 4, điều 17 Luật DN 2014 là "kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN và nội dung hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký DN"- văn bản của VATA viện dẫn.

Trong văn bản của mình, VATA đã liệt kê hàng loạt bất bình đẳng, khi Grab không phải thực hiện, trong khi taxi truyền thống phải thực thi.

Grab tố dự thảo bảo hộ taxi truyền thống

Trước đó, ngày 25-10, trong công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, cho biết cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong dự thảo mới nhất của nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải vừa được Bộ GTVT tải trình Chính phủ vào đầu tháng 10, trong đó có việc xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. 

 

“Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội” - ông Lim Yen Hock bày tỏ.

Đại diện Grab cho rằng dự thảo nghị định vừa trình Chính phủ có phần bảo hộ taxi truyền thống để đồng hóa, hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác, bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi.

Đại diện phía Grab nhận định điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu, cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. "Grab mong muốn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá". 

 

VATA đề nghị tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các DN vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa, để tránh tình trạng "chạy chính sách", vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho nhà nước và xã hội.

Bài: Văn Duẩn

Giày Đại Phát solution
Số người online:
39981
Số người truy cập:
9086346