Sneakers đã trở thành một phụ kiện thời trang quá quen thuộc với cả giới sành điệu hay người bình thường. Tuy vậy, sau một thời gian bùng nổ, các thiết kế giày sneakers đang rẽ sang một hướng khác kém tích cực hơn.
Tháng 1/2014, những ngày tháng hoang dại rực rỡ của thời trang, Karl Lagerfeld tổ chức show thời trang couture với sự hiện diện của cả một dàn giao hưởng, cầu thang xoắn tráng lệ và những nàng mẫu trong trang phục yêu kiều như Lọ Lem bước ra từ cổ tích. Chỉ có điều dưới đôi chân họ không phải là đôi giày pha lê mà lại là những đôi sneakers.
64 mẫu giày khác nhau, mỗi mẫu tiêu tốn 30 giờ của các thợ thủ công đến từ xưởng giày của Massaro. Trước Karl đã có những nhà thiết kế thử sức mình với mẫu giày năng động này như Yohji Yamamoto và Rick Owens, nhưng họ chỉ mới dạo chơi trước cánh cổng vườn địa đàng cho tới khi Lagerfeld “xắn tay” vào cuộc. Ông đã kết hợp hai trường phái tưởng như không thuộc về nhau: trình diễn thời trang cao cấp và những đôi giày dạo phố.
Show thời trang Chanel couture mùa thu 2014. |
Show diễn nhận một cơn mưa lời khen, và tờ Guardian không tiếc lời tán tụng: “Mùa mốt năm nay, thật bất ngờ khi nhân tố thổi luồng gió mới vào phong cách thời trang lại là những đôi giày thể thao. Chúng cũng thay đổi hoàn toàn những bước catwalk quen thuộc của người mẫu”.
Người ta tin rằng chị em có thể trông thật thanh thoát, sành điệu mà không cần viện tới sự hỗ trợ của giày cao gót. Một cuộc cách mạng cho những đôi chân, và cho phụ nữ.
4 năm rưỡi sau, cơn sốt sneakers đang chạm dần tới ngưỡng của sự kỳ dị. Dường như sự thành công rực rỡ của ông hoàng Karl Lagerfeld đã khiến các nhà mốt có niềm tin mãnh liệt rằng mình phải có một đôi giày dán mác riêng thì mới đúng xu thế thời đại.
Vì trên thị trường sneakers vốn đã tồn tại từ lâu, nên điều đó tạo áp lực lên các nhà mốt phải cho ra một mẫu “không đụng hàng”. Kết quả là các mẫu ra mắt sau ngày càng điên hơn, to hơn, nghệ thuật hơn (và đôi khi là xấu xí hơn).
Trong những show thời trang mới đây của mùa xuân 2019, Versace khiến khán giả sửng sốt với một đôi giày quai dán, trông như sự kết hợp giữa một chiếc giày đế xuồng và sandal hàng ngày. Trong khi đó, Cavalli cũng không kém cạnh khi tung ra mẫu giày to sụ ánh bạc với phần đế trông như phi thuyền không gian. Còn Valentino lại ra mắt mẫu giày với phần lông có thể tách rời.
Tiếp đó là loạt tên tuổi lớn khác vướng vào “cơn lốc” này như Coach (ánh kim và đính tua rua ở mũi), Tory Burch (chất liệu vải canvas với dây giày và lỗ xỏ có màu đối chọi nhau), hay Escada lần đầu lên sàn New York (giày cao cổ màu kẹo ngọt với hình trái tim in nổi bên mắt cá chân).
Gherardo Felloni, giám đốc sáng tạo mới của Roger Vivier, giới thiệu đôi giày có tên Viv’ Run là “giày làm ra không phải để chạy”, bất kể cái tên của nó có từ “run” (chạy). Đôi giày màu sắc sặc sỡ với phần quai dán cỡ đại và đế độn giày cộp, trông chẳng khác gì những chiếc sandal đế xuồng cao 7 phân.
Jimmy Choo không đứng ngoài "cuộc đua" khi tung ra đôi sneakers kim cương, mà theo lời của thương hiệu này là “mang bóng hình của một đôi giày chạy cổ điển kết hợp với ánh kim cương”, nhưng thực chất chẳng có gì khác ngoài một cái khuôn nhựa được đục thêm các lỗ để xâu dây giày và đính thêm pha lê swarovski.
Tất nhiên không phải mẫu thiết kế nào cũng tệ, song rất nhiều mẫu gợi cho người ta nhớ tới các kiểu giày cục mịch thời “ông bà anh”, hay thậm chí liên tưởng tới đôi bàn chân của quái vật Frankenstein. Tiêu chí mang lại sự nhẹ nhàng và thoải mái cho người dùng cũng bị lãng quên. Liệu ai có thể nói rằng họ đang bước đi như bay trên những đôi giày thô và nặng như thế?
Và bởi vì những đôi giày này đến từ những nhà mốt danh tiếng nên giá cũng không hề rẻ. Gucci niêm giá 580 USD, đôi Triple S của Balenciaga giá 895 USD, Archlight của Louis Vuitton có giá 1.090 USD.
Mẫu thiết kế của Jimmy Choo. |