Gió biển tụ vào hương thơm

Mực một nắng là tiếng cửa miệng quen thuộc của người dân Phan Thiết và dân đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nếu khô mực làm những tay sành nhậu mê mẩn bởi mùi thơm và vị ngọt của chất dai dai trong thịt mực thì mực một nắng đặc sắc hơn thế nhiều. Vị ngọt của mực đầy hơn, cả khi nướng lên vẫn còn ngọt và mềm nhẹ.

    N ếu đến biển Phan Thiết, bạn hãy dành thời gian cho một khoảnh khắc an bình ngồi nhâm nhi chén rượu với món mực một nắng. Nếu bạn ngồi tắm gió và đùa giỡn với sóng biển, hãy tưởng tượng về những người dân đảo Phú Quý vất vả quanh năm, cặm cụi chăm chút cho từng phên mực phơi dưới một trời nắng đảo và dành những sản phẩm tốt nhất cho người khách phương xa. Có lẽ, ở một góc mênh mông nào đó, một gương mặt người cháy đỏ màu nắng biển đang vội vã thu từng phên đầy mực vào nhà trước cơn mưa sầm sập tới, rồi sau đó lại vội vàng dọn mực ra phơi sau phút giông tố.

Đảo “an cư”
Đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết 120km. Bạn phải mất 6 giờ lênh đênh trên biển mới đến được hòn đảo trù phú này. Nơi đây còn lưu giữ những sinh hoạt đặc thù đặc trưng màu sắc địa phương. Nghề chính của cư dân trên đảo là nghề đi biển, cha truyền con nối và được tổ chức khá chặt chẽ trong các xã, thôn. Nhiều đặc sản của vùng đất xa khơi này đã vượt sóng gió để vào đất liền, hòa nhập với cuộc làm ăn tấp nập của thành phố Phan Thiết và điểm đến du lịch Mũi Né. Ngoài cua huỳnh đế, cá mú, cá mó xù, mực một nắng được nhắc đến như một loại đặc sản tiêu biểu của đất Phan Thiết. Ít ai biết rằng, những con mực một nắng thực sự và thơm ngon nhất đều đến từ hòn đảo Phú Quý, nơi nghề làm mực phát triển và đem lại nhiều thịnh vượng cho cư dân ở đây.
 
Khi đêm xuống, từ một vài đỉnh cao trên đảo, người ta dễ dàng nhìn thấy những ghe làm mực sáng lấp lánh nơi đường chân trời thẳng tắp tách không gian thành hai nửa. Trong mùa rộ mực, ghe mực nhiều đến nỗi những người dân đảo đùa với nhau đó là “Macau của đảo Phú Quý”. Đèn sáng lòa, sáng trắng, sáng lấp lánh, sáng đỏ... tất cả sóng sánh trong màu biển đen kịt đêm khuya. Người làm mực chiến đấu với bóng tối, với gió biển lạnh căm căm để đem về những sản vật ngọt lành, để mực một nắng lại cưỡi sóng vào bờ với hương mặn mòi biển cả và vị thơm tho của tình biển khơi.

Ấm nồng mùi nắng biển
Mực một nắng là tiếng cửa miệng quen thuộc của người dân Phan Thiết và dân đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nơi vùng đảo trù phú này, mực một nắng là một trong những sản phẩm quan trọng được đưa vào tiêu thụ ở “vùng du lịch” Phan Thiết, Mũi Né.
Cả hòn đảo Phú Quý chỉ có xã Tam Thanh chuyên nghề làm mực. Ghe làm mực không lớn, đi sớm từ hai giờ chiều, đến tảng sáng hôm sau thì về đảo bán mực. Mùa trúng mực lớn nhất tập trung vào tháng 7- 8 âm lịch. Vào thời điểm rộ mùa này, cả ba xã ở huyện đảo là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải đều “vào cuộc” đi câu mực.

Khác hẳn với nắng đất liền, cơn nắng ở đảo hanh hao, gió lồng lộng, dữ dội. Không chỉ nắng, cả gió cũng ám hơi mình lên thân thể những con mực còn tươi rói. Có người bảo, có đem mực tươi vào đất liền phơi cũng không thể thơm, ngon và dịu vị như mực phơi trên đảo, trên những tấm phên gỗ kẹp lưới sơ sài nhưng dày công tỉ mẩn của người phơi. Nắng ở đảo cứ thế trải dài ra suốt cả ngày, sau đó thì gió choáng hết phần còn lại. Giữa cái bóng loang loáng của bể khơi, con người đã nghĩ ra nhiều cách tuyệt vời để “tiêu thụ” những món quà của biển.

so_64_dulich2.jpgChỉ sau một cái nắng gay gắt, nồng đẫm mùi biển, từng con mực bắt đầu se lại, bám chặt vào phên. Thế là thành! Từ bấy giờ, thịt mực trắng phau đổi sang màu gạch hơi nhàn nhạt. Người ta sờ tay vào con mực vẫn còn âm ẩm, mềm mại, mùi thơm dịu dàng. Rồi dân đảo gỡ mực vào, cẩn thận xếp thẳng từng con vào túi rồi cho vào tủ lạnh.

Nếu khô mực làm những tay sành nhậu mê mẩn bởi mùi thơm và vị ngọt của chất dai dai trong thịt mực thì mực một nắng đặc sắc hơn thế nhiều. Vị ngọt của mực đầy hơn, cả khi nướng lên vẫn còn ngọt mềm nhẹ. Mùi thơm của mực một nắng sẽ thăng hoa thành mùi hương khó quên trên bếp lửa than hồng. Trong cơn gió biển lạnh se người, thứ mùi thơm ấy dễ quyện thành ngây ngất và làm thực khách cảm thấy vị ngọt nơi cuối lưỡi.

Khô mực dễ dàng trong bàn nhậu bao nhiêu thì mực một nắng cũng chẳng kém. Mực một nắng dễ chế biến. Đơn giản nhất là người ta nướng mực trên bếp than rồi nhâm nhi chén rượu ấm giữa cơn gió biển ám lạnh từ hơi sóng. Khác hơn, người ta có thể chiên mực một nắng, chế biến thêm vài món cầu kì vì con mực chưa khô hẳn, “chất tươi” vẫn còn đủ để người nội trợ tha hồ chế biến. Mực một nắng trở thành tinh túy của đất Bình Thuận cũng có lẽ ở chỗ nó gọn gàng cho du khách, thơm ngon một cách đặc biệt và dễ tính với cả những người ít chịu nấu nướng nhất.

Khách xa ghé Phan Thiết có thể tìm thấy mực một nắng dễ dàng, giá không rẻ. Người dân ở đảo Phú Quý không làm mực một nắng với những con mực to khổng lồ (3con=1kg hoặc hơn) mà chỉ thường xuyên chế biến với mực to bằng bàn tay người lớn hoặc nhỏ hơn một chút. Chỉ đơn giản một điều, những chú mực khổng lồ sẽ không thể ngọt thơm như những con bé, không thể ngọt thơm theo ý “tham lam” của kẻ phương xa!
Mực một nắng là thứ đặc sản đơn giản và công phu như vậy đấy!

Mực một nắng là những con mực tươi. Người địa phương mua từ các ghe làm mực ngay từ sáng sớm sau đêm đánh bắt vất vả. Ngay sau đó, mực được rửa sạch kĩ rồi xếp thẳng hàng lên các phên chuyên dùng phơi hải sản. Từ phút đó, những thớ thịt trắng phau của mực được gió trời ghé thăm, được nắng hẩy lên chút mặn mòi của biển khơi. Rồi khô đi. Chỉ một nắng!

(monngonvietnam)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16717
Số người truy cập:
9263626