Giết vợ sắp cưới vì không cho "quan hệ"

Cuộc trốn chạy của y cũng là một hành trình dằng dặc mà không phải tội phạm nào cũng đủ bản lĩnh để làm. Thời gian phủ bụi mờ lên tất cả, nhưng với các cơ quan bảo vệ pháp luật, một vụ án mạng nghiêm trọng như thế luôn là một món nợ phải trả. Và 10 năm sau, kẻ sát nhân mới sa lưới và nhận sự trừng phạt của pháp luật.

Giết người tình vì… không được “yêu”

Mối tình của Trịnh Văn Tuấn, SN 1980, ở thôn Ngoại, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội và Cấn Thị Duyên, SN 1981, ở thôn Nội, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất vừa chớm nở nhưng làng trên xóm dưới đã biết bởi Tuấn là một thanh niên khỏe mạnh, sáng sủa, quản lý một máy xay thóc nên thu nhập rất khá. Còn Duyên có khuôn mặt ưa nhìn và hiền lành. Do cùng xã nên hai người biết nhau trước khi yêu. Đó là vào thời điểm đầu năm 2000, khi Tuấn chính thức đặt quan hệ tình cảm với Duyên. Mối tình của hai người trẻ ngày càng trở nên thắm thiết khi hai gia đình đã qua lại với nhau và đồng ý cho hai người tìm hiểu, nếu mọi việc tốt đẹp cuối năm sẽ tổ chức lễ thành hôn.

Yêu nhau là thế nhưng chưa một lần hai người thật sự gần gũi. Chính vì thế, Tuấn rất muốn một lần “thử”. Dù sao hai người cũng sắp cưới, đó cũng là cách để Duyên chứng minh tình yêu của mình với Tuấn cơ mà? Khoảng 19g ngày 2-8-2000, Tuấn đi xe máy thuê của anh Cấn Mạnh Tiến, người cùng thôn rồi đến nhà Duyên, đón Duyên đi chơi tại cánh đồng Săn, thôn Ngoại. Khung cảnh nơi đây thật yên tĩnh, rất hợp với những cặp yêu nhau. Tuấn yêu Duyên từ lâu và mong ngày đón Duyên về làm vợ. Nhưng những ngày gần đây, Tuấn lại thấy lo lo khi có tin nói là một thanh niên đang có ý định "tấn công" Duyên. Dù chỉ nghe qua lời người khác nói lại nhưng Tuấn rất nóng mặt. Dựng xe máy xong, cả hai cùng ngồi dưới vệ cỏ. Ngay trước họ là con mương nhỏ. Duyên ngồi im, nhìn ra phía trước. Tuấn chủ động ôm Duyên hỏi khẽ:

- Tối nay em có vui không?

- Có.

- Anh nghe nói thằng Giang thích em à?

- Không, em không thích người đó.

- Thế còn cậu thanh niên ở Sơn Tây?

- Là bà nội muốn em làm quen với anh ta. Nhưng em không nhận lời.

Nếu những gì Duyên nói là sự thật thì tốt, Tuấn không phải lo lắng điều gì. Nhưng nếu Duyên không còn yêu Tuấn nữa, nói ra những điều đó để Tuấn không phải nghĩ ngợi thì khác nào Tuấn bị xỏ mũi. Trời về khuya, gió từ cánh đồng thổi tới mát rượi, khoảng cách giữa hai người càng được rút ngắn. Mặc dù ôm chặt Duyên vào lòng nhưng đầu óc Tuấn vẫn lởn vởn nghĩ tới việc Duyên phản bội và yêu người khác: “Nhất định hôm nay Duyên sẽ là của mình. Nếu Duyên còn yêu thì chắc chắn cô ấy không "tiếc" gì mình. Hai người quan hệ thân thiết đã lâu, lẽ nào cô ấy lại từ chối. Mà từ chối có nghĩa là không yêu mình nữa”. Tuấn quàng tay ôm Duyên chặt hơn. Cơ thể nóng dần, Tuấn nói trong hơi thở gấp:

- Em "chiều" anh nhé?

- Không được. Em muốn giữ đến đêm tân hôn.

“Giọng nói của Duyên nghe lạnh quá, không biểu lộ cảm xúc gì. Không đồng ý nghĩa là cô ta không yêu mình nữa. Cô ấy giữ trinh tiết đâu phải cho mình mà là cho một thằng nào đó! - Lúc này, ham muốn trong Tuấn chùng xuống nhường chỗ cho sự tức tối vì nghĩ rằng mình bị phản bội. Rất nhanh, Tuấn đứng dậy lấy chiếc giày vụt mạnh vào đầu Duyên và bất ngờ đẩy Duyên ngã xuống mương nước. Chưa hết, như một con thú, y nhào đến chỗ Duyên đang lóp ngóp để bóp cổ rồi dìm xuống cho tới khi Duyên tắt thở. Liền sau cái chết của Duyên, y đã nghĩ đến việc cao chạy xa bay để không bị tống vào trại giam. Nhưng phải có tiền mới trốn được. Vậy là giữa làn nước tối om, y lần mò tháo đôi hoa tai và chiếc dây chuyền vàng mà Duyên đang đeo trên người. Xong việc, y bình thản phóng xe máy về trả cho anh Tiến rồi lấy chiếc xe đạp của gia đình, bỏ trốn… Ngày 23-12-2010, sau 10 năm lẩn trốn, kẻ sát nhân đã phải tra tay vào chiếc còng số 8.

Giết vợ sắp cưới vì không cho "quan hệ", An ninh - Hình sự, giet nguoi yeu, giet nguoi tinh, vu an, vu an mang, trong an, bao, bao cong an, bao an ninh

Đối tượng Trịnh Văn Tuấn.

Mười năm không ngon giấc

Phải trốn, càng xa càng tốt, để không bị bắt và lĩnh án - đó là câu nói đầu tiên mà kẻ giết người nói với tôi khi y bị giải vào phòng cách ly trước giờ xét xử. Cháu có biết một người bạn ở trong Đắk Lắk nên nghĩ ngay sẽ vào trong đó những ngày đầu vì nơi đây heo hút, rất thuận tiện cho việc lẩn trốn. Người bạn không hề biết những việc cháu đã làm nên vui vẻ giới thiệu cháu đến làm việc ở một nông trường cà phê. Cháu làm việc ở đây được nửa năm, lúc nào cũng cảm thấy bất ổn, bứt rứt trong lòng nên quyết định vào tận Cà Mau. Cháu nghĩ, dù sao đây cũng là vùng đất xa xôi nhất, vì thế những tung tích của mình cũng khó có ai biết được. Cháu đã gặp may khi một người đàn ông ở đây nhận cháu làm con nuôi và cho cháu vào làm việc ở chỗ ông ấy. Công việc chính là nuôi tôm, không vất vả mà thu nhập ổn định. Để che giấu tung tích của mình, cháu đổi tên là Trần Minh Phúc. Hai năm sau, cháu quan hệ với một cô gái tên là Lê Thị Hoa Thơm. Hai người về sống với nhau, có hai mặt con nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ cháu là người đơn giản nên cũng chẳng bao giờ cô ấy hỏi về quá khứ của cháu, chỉ yêu cầu khi nào các con lớn thì cho ra Bắc thăm ông bà nội.

Suốt mười năm qua, hầu như không có một đêm nào cháu yên giấc. Những hình ảnh về cái đêm định mệnh với Duyên cứ hiện về. Cháu cũng không thể ngờ mình lại có thể gây ra tội ác tày đình đến thế. Nhưng cháu không đủ can đảm ra đầu thú. Càng để lâu càng ngại, càng nhìn thấy các con mỗi ngày, cháu càng sợ khi nghĩ mình sẽ làm khổ chúng nó cả cuộc đời.

Ngày Duyên mất là ngày 3 tháng 7 âm lịch. Mỗi năm, vào ngày đó, cháu một mình lặng lẽ thắp hương trong nhà hoặc lên chùa cầu siêu. Không một ai biết việc làm này của cháu. Thực ra, cháu lên chùa chỉ để mong cô ấy tha thứ cho cháu và cháu thấy lòng mình được thanh thản thôi.

Những trang hồ sơ "lạnh sống lưng"

Thẩm phán Lê Thị Bích Lan, chủ tọa phiên tòa đã nói với tôi như thế khi chị đọc từng trang hồ sơ vụ án của kẻ giết người. Nếu ở thời điểm hiện tại, những vụ án giết người, cướp tài sản như vậy diễn ra khá nhiều và người ta không thấy choáng váng bởi còn những vụ án ghê rợn hơn như giết người xong chặt đầu, chặt tay chân phi tang… Nhưng nếu xét ở thời điểm cách đây 10 năm thì đó quả là một vụ án mạng kinh khủng. Nó lại xảy ra ở một miền quê thuần nông, con người sống hiền hòa và những tội ác man rợ kiểu như thế dường như chưa từng tới đây.

Tôi đã hơn một lần rùng mình khi giở từng trang hồ sơ vụ án, đặc biệt khi giở đến bản ảnh hiện trường và tử thi. Kẻ giết người là một con thú chứ không phải con người nữa bởi giết người đã là điều kinh khủng, giết người con gái yếu đuối, không có khả năng tự vệ và giữa họ từng có một tình yêu đẹp quả là điều không thể tưởng tượng nổi. Với tội ác dã man như vậy, cần có hình phạt thật nghiêm khắc mới tương xứng với những gì y đã gây ra.

Hồ sơ vụ án cho thấy, vì không thỏa mãn sinh lý nên bị cáo mới ghen tuông rồi nảy sinh ý định tước đoạt mạng sống của Duyên. Thật ra, lý do này chưa thật sự thỏa đáng. Vậy có còn một lý do nào khác không? Bởi có nhân chứng cho rằng, bị cáo vào thời điểm đó cũng là người quan hệ rất rộng, có tiền và chơi bời. Tuy nhiên, tất cả các bút lục đều khẳng định việc Tuấn giết Duyên có khởi đầu từ việc bị Duyên cự tuyệt. Nếu vậy, để đi tìm một lý do khác quả là khó, vì vụ án đã xảy ra quá lâu.

Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Trịnh Văn Tuấn là luật sư Đinh Thị Kim Thoa. Chị nói với tôi bằng những lời rất thật: Đó là tội ác không thể có lời bào chữa và bị cáo biết trước kết cục này. Nhưng tôi vẫn gặp gỡ, trò chuyện với bị cáo để Tuấn không giấu bất cứ điều gì trong lòng. Tôi cũng nói với người nhà Tuấn bồi thường cho gia đình bị hại đầy đủ. Mạng người là quý nhất, tiền bạc có mua được đâu. Người âm họ biết hết, hãy làm tất cả những gì có thể, coi như trả nợ để lòng được thanh thản và có được sự tha thứ của người yên nghỉ dưới ba tấc đất.

Tội ác nào rồi cũng phải trả giá. Và bản án tử hình là cái giá mà Trịnh Văn Tuấn phải trả cho những tội ác tày trời y đã gây ra. Suốt quá trình xét xử, rất nhiều lần y ngoái lại phía sau để nhìn lại những người thân của mình, miệng lắp bắp một điều gì đó. Có thể y cầu xin họ tha thứ, có thể y muốn lưu giữ những hình ảnh mà bao năm lưu lạc, nó đã nhòa nhạt, giờ lại hiện trước mắt y, rõ ràng hơn, đau xót hơn.

Chỉ đến khi tòa tuyên bản án tử hình, y mới rũ xuống. Những giọt lệ hiếm hoi ứa ra từ đôi mắt thâm quầng. Đôi bàn tay bị còng vụng về đưa lên quệt ngang mặt. Lúc này, tôi mới để ý đến hai hàng chữ xăm ở hai cánh tay. Ở tay phải là "Thương cha nhớ mẹ" và tay trái là "Nhớ vợ thương con". Đó là những người thân nhất trong đời y, song giờ đây tất cả còn có ích gì khi sự sống của y bắt đầu được tính bằng ngày?


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5748
Số người truy cập:
9248183