Giáo viên mầm non 'vui như đón Tết' khi trở lại trường

 Cô Oanh, 24 tuổi tất bật trong ngày đầu tiên đón trẻ mầm non đến trường. Lớp Chồi 2 do cô phụ trách gần 30 trẻ, phần lớn là con của công nhân khu công nghiệp Sóng Thần, TP Dĩ An, Bình Dương. Lần đầu xa cha mẹ sau hơn chín tháng ở nhà, nhiều bé khóc, dỗi, biếng ăn khi đi học.

Giờ trưa, cùng với một bảo mẫu, cô Oanh luôn tay đút cơm cho những bé lười ăn, thỉnh thoảng phải dừng lại thay quần áo cho trẻ khi bị vấy bẩn. Thấm mệt nhưng cô giáo trẻ chia sẻ vui như trải qua cái Tết thứ hai trong năm khi được đến lớp.

Quê Quảng Bình, cô Oanh vào TP HCM xin việc sau khi tốt nghiệp trung cấp Giáo dục mầm non. Với mức lương hàng tháng 5,5-6 triệu đồng, cô đủ tiền thuê trọ, sinh hoạt và dành dụm chút ít.

Covid-19 bùng phát, trường đóng cửa từ tháng tư năm ngoái đến nay. Những tháng đầu, cô Oanh dùng tiền tiết kiệm trang trải cuộc sống. Sau đó, thành phố nới lỏng giãn cách, cô giáo trẻ xin làm công nhân đóng gói trong một cơ sở sản xuất. Lương thời vụ mỗi ngày 300.000 đồng, tính theo tháng cao hơn lương giáo viên mầm non.

"Có lúc tôi tự nhủ, hay là mình bỏ nghề vì không biết khi nào mới hết dịch. Nhưng tình yêu trẻ thôi thúc tôi quyết tâm. Tôi xác định chỉ làm công nhân tạm thời để kiếm sống qua ngày, chờ trường mở cửa", cô Oanh kể.

Lương thấp, phải thu vén mọi khoản chi tiêu, cô Oanh hiện vẫn dành dụm để theo học liên thông cử nhân đại học Giáo dục Mầm non.

"Bên ngoài nhìn vào có thể nghĩ nghề giáo viên mầm non hơi tẻ nhạt, suốt ngày quanh quẩn với trẻ con. Nhưng với chúng tôi đó là hạnh phúc. Chỉ khi nào yêu trẻ mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đó", cô giáo chia sẻ.

Trẻ Mầm non 19/5 Thành phố, quận 1 vui chơi trong buổi học sáng 14/2.  Ảnh: Quỳnh Trần

Trẻ Mầm non 19/5 Thành phố, quận 1 vui chơi trong buổi học sáng 14/2. Ảnh: Quỳnh Trần

Ở khối tư thục, đóng cửa đồng nghĩa với việc cắt lương, thưởng. Do lương hàng tháng thấp, nhiều người phải xoay xở đủ nghề mưu sinh. Cô Nông Thuý Lành, 31 tuổi, đồng nghiệp của cô Oanh, chuyển sang phụ chồng buôn bán suốt gần một năm thất nghiệp.

Từ giữa tháng 12 năm ngoái, hơn 600.000 học sinh khối 7-12 lần lượt đến trường. Sáng 14/2, gần một triệu trẻ mầm non, tiểu học và học sinh lớp sáu ở TP HCM đi học trực tiếp, theo kế hoạch đã được đề xuất từ trước Tết.

Nhận được tin nhắn thông báo đi làm trở lại từ chủ trường trong kỳ nghỉ Tết, cô Lành "vừa vui, vừa hồi hộp": vui vì được trở lại công việc yêu thích, gặp lại đám trẻ; hồi hộp bởi không biết học trò sau nhiều tháng ở nhà thay đổi ra sao, bản thân liệu có trụ nổi trước áp lực công việc.

Theo cô Lành, nghề giữ trẻ không nặng nhọc nhưng cần sự kiên nhẫn và dễ gặp thị phi nếu không khéo xử lý tình huống. Nhiều trẻ hiếu động, hay nghịch, thỉnh thoảng tay chân bị xây xát. Gặp phụ huynh hiểu chuyện, cô giáo dễ bề ăn nói. Khi gặp cha mẹ nóng nảy, giáo viên không tránh khỏi bị hiểu lầm, dẫn đến mâu thuẫn. "Do đó, khi trở lại công việc, chúng tôi phải gác hết những lo toan cá nhân, tập trung cao độ trông giữ, chăm trẻ", cô Lành nói.

Nhiều giáo viên trường mầm non tư thục chung niềm vui như cô Oanh, cô Lành. Ngoài hạnh phúc được trở lại với đám trẻ, họ vững tâm vì lại có công việc, thu nhập sau thời gian dài mất việc.

"Suốt chín tháng qua, tôi bán hàng online, làm đồ handmade. Nhiều lúc tôi khóc vì tủi, mới ra trường đã gặp ngay đại dịch. Nay tôi được nhận vào một nhóm trẻ, thử việc với mức lương 5 triệu, không gì vui hơn", cô Nguyệt, 24 tuổi, giáo viên mầm non ở TP Thủ Đức nói.

Ở khối công lập, giáo viên mầm non được hưởng lương, phụ cấp hàng tháng trong thời gian trường đóng cửa chống dịch. Dù không đến mức khó khăn về kinh tế như đồng nghiệp ở các trường tư thục, họ cũng mong từng ngày được đến lớp.

Cô Phạm Thu Thảo, giáo viên Mầm non Bé Ngoan, quận 1 hướng dẫn trẻ trong giờ chơi ngày 14/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Cô Phạm Thu Thảo, giáo viên Mầm non Bé Ngoan, quận 1 hướng dẫn trẻ trong giờ chơi ngày 14/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Cô Phạm Thu Thảo, 27 tuổi, giáo viên Mầm non Bé Ngoan, quận 1 dùng từ "vui khôn tả" để nói về ngày đầu đến trường. Cô Thảo cùng một đồng nghiệp phụ trách một lớp Chồi gần 30 trẻ. "Từ đầu năm học đến nay, giáo viên thực hiện các đoạn video hướng dẫn trẻ vui chơi, tự học ở nhà. Cô trò có một số buổi gặp mặt online nhưng không thể thân thương bằng gặp trực tiếp", cô nói.

Ngày đầu tiên, cô Thảo hướng dẫn các bé cách phòng dịch, giữ gìn vệ sinh, nhận biết các dấu hiệu bệnh. Những ngày tiếp theo, trẻ sẽ được hướng dẫn các chủ đề học tập theo chương trình.

Dạy trẻ mầm non trong bối cảnh dịch bệnh, theo cô Thảo, sẽ cực hơn nhiều lần bình thường. Trẻ con hiếu động, ý thức chưa cao, ham chơi, mau quên nên thầy cô phải chú ý nhiều hơn.

Cô Thảo chia sẻ, khi nghe tin trường mở cửa, số phụ huynh đồng thuận ban đầu chỉ hơn 50%. Sau khi được thông tin về biện pháp phòng dịch, phụ huynh yên tâm hơn, tỷ lệ đồng thuận tăng. Sự tin tưởng của phụ huynh đồng thời là trách nhiệm của giáo viên.

"Ngôi trường như được thức giấc nhờ tiếng nói, cười của trẻ. Giáo viên cũng hoà cùng niềm vui, bởi cũng như các em, chúng tôi mong mỏi được lên lớp từng ngày", cô Thảo nói.

Sắp tới, nhóm học sinh còn lại của TP HCM - trẻ mầm non dưới 3 tuổi - sẽ được đi học khi thành phố sơ kết hiệu quả việc mở cửa trường.

Mạnh Tùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
18077
Số người truy cập:
9016796