Giang nói lúc mới bị bắt Giang bấn loạn tinh thần, lo cho hai con nhỏ ở nhà nên mới “nhận bừa” tội lỗi với cơ quan điều tra chớ thật ra Giang không nhẫn tâm hành hạ Hào Anh đến “thân tàn ma dại”. Theo Giang, trước khi vào làm công cho trại tôm giống Hào Anh đã có một số vết thương trên người và bị bệnh viêm xoang rất nặng vì đã từng làm công nhân cho một nhà máy chế biến thủy sản. Do đó, Giang đề nghị giám định lại tỉ lệ thương tật của Hào Anh để làm cơ sở xem xét lại mức án của bản án sơ thẩm đã tuyên đối với Giang – Thơm.
Đối với bị hại duy nhất của vụ án là cháu Hào Anh, khi được hội đồng xét xử hỏi về những lời khai của Giang trước tòa, Hào Anh khẳng định lời khai của “cậu chủ” là sai sự thật.
Hào Anh khẳng định những vết thương trên người và những chiếc răng của em bị gãy là do vợ chồng Giang – Thơm gây ra.
Do đó, Hào Anh yêu cầu hội đồng xét xử tuyên y án vợ chồng Giang – Thơm và giảm tội cho Quỳnh vì Quỳnh đánh Hào Anh chỉ là làm theo lời ép buộc của vợ chồng Giang – Thơm.
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, vợ chồng Giang – Thơm đã mời luật sư Huỳnh Cao Lực (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) tham gia bào chữa. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên đã tham gia bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cháu Hào Anh.
Thay mặt hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Hùng Việt, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM – tóm tắt lại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử cách đây gần 5 tháng.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng của tỉnh Cà Mau đã kết luận rằng từ giữa tháng 10-2008 chị Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) ở ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước (Cà Mau) gửi Hào Anh đến làm thuê cho vợ chồng Giang – Thơm ở trại tôm giống Minh Đức (ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh). Công việc chính của Hào Anh là đập ốc làm thức ăn cho tôm, nấu cơm, giặt đồ, chăm sóc con nhỏ cho Giang – Thơm và một số công việc khác với mức lương là 500 ngàn đồng/tháng.
Từ những chứng cứ trên, án sơ thẩm đã tuyên phạt Giang và Thơm cùng phạm hai tội là “cố ý gây thương tích” và tội “hành hạ người khác” cùng bị phạt 20 năm tù giam và 3 năm tù giam về tội “hành hạ người khác”.
Sau đó, vợ chồng Giang- Thơm đã làm đơn kháng cáo vì cho rằng hình phạt 23 năm tù giam cho mỗi người về hai tội “cố ý gây thương tích” và “hành hạ người khác” là quá cao, không hợp lý.
Vợ chồng chủ trại tôm giống này còn kháng cáo rằng tội “hành hạ người khác” như cáo trạng và bản án kết luận là… oan vì Hào Anh tự làm phỏng nước sôi và nhiều lần tự té nên mới bị thương tích đầy mình chớ không phải do vợ chồng Giang – Thơm hành hạ.
Lâm Lý Quỳnh thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào trưa nay.