Mức giảm tương tự cũng được Thép Việt Ý áp dụng. Giá thép CB300 D10 lùi về 15,86 triệu đồng một tấn, thép CB240 còn 15,61 triệu đồng một tấn.
Nguyên nhân giảm giá thép được Hòa Phát đưa ra là giá phôi thép và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Trong khi Thép Việt Ý nói điều chỉnh giá do sự biến động của thị trường thép xây dựng và để phù hợp nhu cầu hiện tại.
Tiêu thụ kém cũng là yếu tố tác động lớn đến diễn biến giá thép. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê trong hai tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu giảm 10%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 430.000 tấn.
Hòa Phát - đơn vị nắm khoảng 40% thị phần thép xây dựng cả nước - ghi nhận sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép trong hai tháng đầu năm đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với cùng kỳ 2022. Hòa Phát lỗ ròng trong giai đoạn này.
Theo Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina, sản lượng tiêu thụ được ghi nhận qua hệ thống này trong ba tháng đầu năm giảm 30% so với cùng kỳ. Ông Bùi Duy Anh - Phó tổng giám đốc kinh doanh thép Steel Online, nói với VnExpress rằng đợt giảm giá này sẽ kích hoạt xu hướng điều chỉnh giá bán thép trên toàn thị trường trong thời gian tới.
Ông dự báo giá thép sẽ giảm nhiều hơn nữa do hết hạn phòng vệ thương mại và nhu cầu kém do chính sách kiềm chế lạm phát, giảm chi tiêu trong toàn xã hội, các vấn đề về bất động sản chưa được tháo gỡ, dự án công được triển khai khá ít không thể gánh được nguồn cung hiện tại. Việc giá các vật liệu giảm sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư và giúp khởi động lại các dự án, tuy nhiên sẽ có độ trễ khoảng 6 tháng tới một năm.
"Nhìn tổng thể, diễn biến giá thép đi xuống mang lại lợi ích khi đầu tư công có giá nguyên vật liệu thấp, đồng thời các doanh nghiệp phải tự tìm cách đi cho vững vàng và phát triển thêm các thị trường nước ngoài", đại diện Steel Online nêu quan điểm.
Tuy giá thép được dự báo có thể giảm thêm, gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành này cùng lạc quan rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Trong phiên họp thường niên, lãnh đạo Hòa Phát nhận định triển vọng tích cực đến từ lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh, tỷ giá được kiểm soát tốt hơn, không còn thời kỳ "ngủ đông" như giai đoạn cuối năm 2022. Hoa Sen cũng ghi nhận tín hiệu mới khi công ty đã hết tồn kho giá cao và chỉ còn tồn kho thấp.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lợi nhuận ngành thép khó thể phục hồi sớm. VSA cho rằng thị trường phải chờ đến quý III và quý IV năm nay mới có thể phục hồi mạnh. VNDirect trong báo cáo nhận định về Hòa Phát cũng nêu quan điểm sản lượng tiêu thụ thép có thể tăng trở lại từ quý III, giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tồn kho thấp hơn.
Tất Đạt