Giả chữ ký của Cục trưởng để lừa đảo xuất khẩu lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhiều lao động ở các tỉnh thành gọi điện đến hỏi về việc tuyển bổ sung lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngày 30/6, anh Việt, quê ở Nghệ An, đã trực tiếp đến Cục để hỏi thông tin, đồng thời xuất trình một thông báo tuyển dụng có con dấu và chữ ký của Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh. Anh này còn cho biết có người đã nộp cả chục nghìn USD để được sang làm việc tại Hàn Quốc.

Trong thông báo tuyển bổ sung nêu lý do là Công ty FPT cùng Công ty FPT Korea đại diện tại Hàn Quốc có nhu cầu lao động. Hồ sơ tuyển dụng chỉ cần: sơ yếu lý lịch cá nhân có ảnh và dấu giáp lai, chứng minh nhân dân được công chứng, bản photocoppy hộ khẩu có công chứng, giấy tư pháp, tình trạng sức khỏe tốt, ưu tiên cho lao động có bằng tin học, bằng nghề.

Bản thông báo này còn đưa ra thời hạn tuyển bổ sung là 10 ngày, bắt đầu từ 25/6. Sau đó lao động được gọi lên ký hợp đồng tại Bộ Lao động, có sự chứng kiến của luật sư cùng phía công ty đối tác. Tiếp đó lao động sẽ chờ 3 ngày tại khách sạn để nhận hộ chiếu, visa và ngày 18/7 sẽ xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Trao đổi với VnExpress sáng 9/7, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định: "Thông báo trên hoàn toàn giả mạo. Con dấu của Cục có thể chụp từ một văn bản nào khác, còn chữ ký không phải của tôi". Ông Quỳnh cho biết ngày 3/7, Cục đã gửi công văn đề nghị Cục An ninh văn hóa tư tưởng (A25), Bộ Công an có biện pháp điều tra, làm rõ để xử lý cá nhân lừa đảo, bảo vệ quyền lợi lao động.

Về thông tin FPT tuyển lao động sang Hàn Quốc, ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT, khẳng định: "FPT không có công ty tại Hàn Quốc, không có chức năng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và cũng chưa bao giờ tuyển dụng lao động đưa sang quốc gia này. Thông báo tuyển dụng trên đã lợi dụng tên công ty FPT và bịa đặt ra tên FPT Korea để lừa đảo lao động".

Hiện chỉ có hai kênh đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Một là chương trình cấp phép lao động mới (EPS) do duy nhất Trung lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thực hiện phi lợi nhuận. Một kênh khác là chương trình thẻ vàng dành cho lao động tay nghề cao, tiếng Anh tốt và chỉ tuyển cho các ngành: điện tử số, Nano, sinh học, môi trường, năng lượng, vật liệu mới, thiết bị giao thông vận tải và thương mại điện tử. Hiện chỉ có một số ít công ty đưa lao động theo kênh này.

Ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết thêm, hiện tượng lừa đảo sang Hàn Quốc xảy ra rất nhiều. Các hành vi lừa đảo thường là làm giả hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc, làm giả giấy thông báo đi học giáo dục định hướng, giả phiếu thu trong đó giả mạo con dấu của Trung tâm lao động ngoài nước và giả danh sách lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn.

Để tránh bị lừa đảo, ông Xuyên khuyến cáo lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc cần nắm rõ quy trình đăng ký dự tuyển theo chương trình EPS phải qua các bước: học tiếng Hàn; đăng ký kiểm tra tiếng Hàn; làm hồ sơ đăng ký dự tuyển (nếu điểm đạt yêu cầu); chờ chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn; tham dự khóa giáo dục định hướng (nếu được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng), cuối cùng làm thủ tục xin cấp visa và xuất cảnh.

Lao động khi chưa tham dự kỳ kiểm tra chính thức do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Lao động Hàn Quốc tổ chức, hoặc đã tham dự, nhưng điểm không đạt thì không thể đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Không có cá nhân, tổ chức nào có thể đưa lao động chưa đạt yêu cầu về tiếng Hàn đi làm việc tại nước này theo chương trình EPS.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16859
Số người truy cập:
9263849