Sau chầu rượu ngà ngà say với bè bạn, Sài vẫn không thể xóa bỏ được những câu nói đầy khích bác về người vợ trẻ. "Rượu vào lời ra", thấy vợ không chịu nhường nhịn mà còn cố tình thu xếp quần áo bỏ về nhà mẹ đẻ, Sài dí khẩu súng săn vào mặt vợ. Một cái bóp cò trong phút nóng giận đã khiến vợ Sài chết, đứa con trai mới bảy tháng tuổi bơ vơ...
Ngôi nhà nơi vợ chồng Sài và Đớ từng sống hạnh phúc.
Cuộc tình đẹp và ngày định mệnh
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử TAND Lai Châu đã cân nhắc một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Bản thân bị cáo lại không hiểu biết pháp luật do học hành không đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cho rằng, việc làm của bị cáo Sài là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người khác nên cũng cần có hình phạt thích đáng để răn đe. Hội đồng xét xử áp dụng Điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt bị cáo Sài tù chung thân.
Sáu tháng đã trôi qua, nhưng vụ án chồng nã đạn vào mặt vợ ở vùng cao Thà Giàng Chải (xã Tả Nảo, Sìn Hồ, Lai Châu) khiến người dân nơi đây còn chưa hết bàng hoàng. Bởi bao nhiêu năm qua, họ chưa bao giờ chứng kiến một vụ án khủng khiếp đến thế...
Tuy người chồng đã phải đền tội cho những sai lầm của mình gây ra, người vợ cũng đã khuất núi, nhưng chuyện tình yêu cũng như cái chết của người vợ thì người dân vùng Thà Giàng Chải vẫn còn nhớ mãi.
Những người bạn của hai vợ chồng Sình A Sài (SN 1989) kể lại, Sài và Sùng Thị Đớ gặp nhau tại một phiên chợ vùng cao. Đớ là chị cả trong gia đình có bốn anh chị em. Cuộc sống lam lũ ở bản cũng không lấy đi được cái duyên của người con gái Mông. Còn Sài là bộ đội phục viên, khỏe đẹp, hiền lành. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa cặp đôi nhanh chóng dẫn đến đám cưới trong sự hân hoan của hai bên gia đình.
Nhưng, ngày định mệnh 14-6-2011 trở thành một ngày đáng nhớ giữa miền sơn cước hoang vu này. Khi những người dân bản đang lo chăm bẵm nương rẫy ở bản Nậm Khăn thì một tiếng súng chát chúa vang lên ở lán vợ chồng Sài - Đớ. Sau tiếng súng, mọi người chạy đến, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, Sùng Thị Đớ nằm bất động dưới đất, mặt bê bết máu, Sài đứng thất thần bên cạnh, tay cầm khẩu súng săn...
Mọi người vội đưa Đớ lên Trạm Y tế xã cấp cứu nhưng đã quá muộn. Một vài người khác gọi điện cho cán bộ xã, ít phút sau, Sài bị Công an huyện Sìn Hồ bắt tạm giam. Gia đình Đớ phẫn uất trong đau đớn, gia đình Sài không tin vào mắt mình. Một đám ma lạnh lẽo, đầy thê lương cho Sùng Thị Đớ...
Đến bây giờ, nửa năm đã trôi qua, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, những người dân trong bản Thà Giàng Chải đều bày tỏ sự thương cảm với hoàn cảnh éo le hiện tại của gia đình Sài, cũng như không thể lý giải được vì sao cậu thanh niên hiền lành như Sài lại có thể dùng súng bắn chết vợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sình A Sài được sinh ra trong gia đình có ba anh em, nghèo khó nên học đến lớp 5 đã phải nghỉ học để làm nương rẫy. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Sài trở về quê hương và lập gia đình với Đớ. Vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc, siêng năng làm ăn, ai cũng mừng cho họ. Nhưng gần đây, Sài thấy vợ mình cứ ăn mặc chải chuốt, làm dáng mỗi khi chồng vắng nhà nên càng tin những lời đàm tiếu của đám bạn về người vợ trẻ. Và đỉnh điểm của sự việc sau buổi lên nương, trong men say, bi kịch đau lòng đã xảy ra... Vợ chết, chồng vào tù, con trẻ bơ vơ cùng người ông đã già yếu.
Nỗi đau con trẻ miền sơn cước
Theo những người chứng kiến sự việc, trước khi xảy ra bi kịch, sáng ngày 14-6-2011, Sài vẫn cùng vợ lên nương làm rẫy. Hôm ấy, Sài đi làm trả công cho anh Sùng A Cao (người cùng bản).
Nhưng đến trưa, Sài cùng người anh họ với khoảng chục người bạn nữa ngồi uống rượu. Trong mâm rượu mọi người nhắc Sài phải chú ý đến vợ mình hơn, nếu không sẽ "mất vợ như chơi"... Uống cạn ba bát rượu, Sài trở về lán nương tại bản Nậm Khăn, xã Tà Ngảo để hỏi vợ cho ra lẽ. Cuộc nói chuyện trở thành cuộc cãi vã om sòm... Đớ cũng không kém cạnh, bỏ mặc chồng khi đang nói chuyện, thu xếp quần áo trở về nhà mẹ đẻ.
Để ngăn vợ không bước ra khỏi cửa, Sài đã vào đầu giường lấy khẩu súng kíp và hét lên: "Vậy thì tôi và cô cùng chết". Đớ chẳng nói gì, vẫn đùng đùng nhất quyết chuyển đồ đi, bảo không muốn ở với chồng nữa. Thấy vợ kiên quyết, Sài điên tiết dí súng vào mặt và lạnh lùng bóp cò.
Bà Sùng Thị Sung, hàng xóm của Sài nhớ lại: "Nghe thấy tiếng súng nổ phát ra từ lán nhà nó (Sài), biết có chuyện chẳng lành nên chúng tôi chạy đến. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Đớ nằm dưới đất, mặt bê bết máu với hàng chục mảnh đạn còn găm trên mặt. Sài thì đang chĩa họng súng vào đầu mình...".
Thấy vậy, mọi người đều khuyên can Sài đừng dại dột bởi còn nuôi con nữa. Khi thấy Sài phân tâm, ông Súa (bố Sài) đã lao đến giằng được cây súng từ tay cậu con trai. Công an huyện Sìn Hồ nhanh chóng có mặt. Từ ngày đó cho đến khi bị đem ra xử, Sài chưa một lần gặp con, gặp bố mẹ và người thân.
Trong đám tang của Đớ, ai nấy đều thương cảm khi thấy đứa trẻ cứ ngằn ngặt khóc hết nước mắt đòi sữa mẹ. Nó còn quá bé để nhận thức nỗi đau mình phải gánh chịu. Chỉ vì chút nóng giận, Sài đã giết chết người vợ mà anh yêu thương nhất, con trai ít tháng tuổi phải chịu cảnh mồ côi, bản thân mình cũng phải ngồi tù. Đau thương hơn, từ ngày con dâu chết, con trai vào tù, hàng ngày ông Súa phải đi xin sữa quanh bản cho đứa cháu. Hôm nào không xin được, ông phải chắt nước cơm cho cháu mà lòng quặn thắt, lo lắng cho tương lai sau này của nó. Hằng ngày, người ta đi qua nhà Sài vẫn thấy một ngôi nhà gỗ thấp lè tè nằm chon von trên mô đất đóng cửa im ỉm, với cành lá (báo có người chết) vẫn phơ phất treo trước hiên nhà. Bên trong, đứa trẻ vẫn ngằn ngặt khóc khản tiếng vì thiếu hơi mẹ.