Đã vậy, bà quyết bắt tại trận để ông hết đường chối và người đàn bà kia nếm đòn đau sẽ không còn dụ dỗ chồng người khác. Nghĩ là làm, bà rủ con trai, chị ruột và cháu nửa đêm tìm đến quán cà phê, đem theo... búa và dao.
Xe vừa dừng trước quán chị N.T.T, bà H. nhảy xuống đập cửa. Nghe tiếng vợ, chồng bà H. mở cửa sau bỏ chạy. Một lát sau khi chị T. bước ra mở cửa, bà H. cùng mọi người xông vào.
Không thấy chồng nhưng chiếc xe máy của ông để lại hiện trường đã lên tiếng thay chủ. Đầu bốc hỏa, bà H. dùng búa đập phá chiếc xe cho đến khi văng cả đầu búa.
Nhìn qua thấy chị T. mặt cắt không còn giọt máu, sẵn cán búa trên tay, bà H. đánh vào đầu chị và đập phá tài sản trong quán. Cơn giận vẫn chưa nguôi, bà H. tiếp tục giật lấy dao định cắt tóc chị T. nhưng được những người đi theo can ngăn đưa về nhà.
Chỉ đến khi bị công an mời lên làm việc và tạm giam vì chị T. tố cáo, bà H. mới bàng hoàng, sợ hãi trước hai tội danh cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản.
Vụ án xảy ra từ năm 2005 đến tháng 12-2010, 5 năm với 8 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm nên dù lần xử nào cũng được hưởng án treo, bà H. vẫn không thể yên thân bởi người bị hại liên tục khiếu nại về tỉ lệ thương tật, việc xác định giá trị thiệt hại tài sản cũng như đề nghị xử phạt tù giam đối với bà H.
Trong lần xử sơ thẩm mới đây, TAND tỉnh Trà Vinh xử phạt bà H. 2 năm 9 tháng tù (cả hai tội cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản) nhưng cho hưởng án treo. Người bị hại một lần nữa lại kháng cáo đòi tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường.
Rất may, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định hành vi của bị cáo là nghiêm trọng vì đã xâm phạm sức khỏe và quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân cần phải xét xử nghiêm. Tuy nhiên, bị cáo xuất thân từ thành phần lao động, sống ở nông thôn, nhận thức pháp luật hạn chế, đã tự nguyện bồi thường cho bị hại...; trong vụ án này bị hại cũng có phần lỗi nên đã bác kháng cáo của người bị hại, y án sơ thẩm.
Bà H. lẳng lặng ra về, không thể hiện sự mừng vui, bởi như bà nói, vụ án kéo dài khiến gia đình bà quá mệt mỏi, không còn tâm trí để làm việc và ổn định tinh thần. Có một điều an ủi, sau đận ấy, chồng bà đã tu tỉnh làm ăn, không còn “đi mây về gió” làm khổ vợ con nữa.