Chị Võ Thị Anh cho biết, giữa tháng 1, chồng chị là anh Võ Hữu Long rời quê nhà Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đi làm thợ xây tại bang Benghazi của Libya. Làm việc chưa được một tháng thì công trường nơi anh Long làm việc bị đập phá, buộc phải đóng cửa. Sau nhiều ngày chịu đói khát tại cảng Benghazi, đến tối 26/2, chồng chị điện thoại nói sắp được chủ thầu đưa lên tàu để rời khỏi Libya.
"Sau đó tôi có gọi điện, nhưng không được vì có thể tàu đã rời khỏi Libya. Tính mạng của anh có thể không còn bị nguy hiểm nữa, nhưng...", nói đến đó, chị Anh bật khóc. Xã Cẩm Lạc quê chị rất nghèo, vợ chồng và hai đứa con chỉ trông vào 2,8 sào ruộng, không có nghề phụ. Vất vả lắm họ mới đủ ăn, không dám mơ xây được nhà, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Cuối năm 2010, có doanh nghiệp từ Hà Nội đến tuyển lao động đi làm thợ xây dựng tại Libya, vợ chồng chị bàn bạc bán con trâu và nhờ bà ngoại vay 25 triệu đồng, tất cả được hơn 40 triệu để làm chi phí xuất cảnh sang Libya. "Với mức lương ký trên hợp đồng là 350 USD mỗi tháng, chúng tôi tính sau khi trả nợ, cũng đủ nuôi hai con ăn học và xây lại ngôi nhà cấp 4 đang xuống cấp, vậy mà...", người đàn bà chưa đến 40 tuổi vừa nói vừa khóc.
Chị Anh bảo sau cuộc biểu tình ở Libya, chị gần như không ngủ được, vì hết lo cho tính mạng của chồng, lại lo không biết lấy gì để trả nợ. "Gia đình tôi vay ngân hàng 7 triệu đồng chưa trả được, vì thế mới nhờ bà ngoại vay cho 25 triệu đồng để chồng đi xuất khẩu, bây giờ cả mình và bà ngoại đều kẹt", chị nói.
Thoát khỏi vùng chiến sự Libya, người lao động lại đau đáu nỗi lo nợ nần. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Giống chị Anh, chị Võ Thị Hà Giang quê Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng đang bồn chồn vì khoản nợ cho chồng đi làm việc tại Libya. Tối 26/2, gọi điện cho VnExpress thông báo chồng mình đã lên được tàu rời Libya sau nhiều ngày chờ đợi trong đói rét, chị Giang bảo "cất được gánh lo tính mạng của chồng, giờ lại lo làm sao có tiền trả nợ".
Người phụ nữ này cho biết, để nuôi hai con ăn học (một cháu đang học ĐH tại TP HCM, một cháu học lớp 10), vợ chồng chị phải vay ngân hàng 20 triệu đồng. Trả dần dần, giờ khoản nợ còn 10 triệu đồng. Cuối năm 2010, thấy anh em hàng xóm rủ nhau đi Libya, vợ chồng chị bàn bạc, cuối cùng quyết định vay mượn thêm gần 50 triệu đồng cho chồng đi.
"Làm nông nghiệp thu nhập thấp, chỉ một đợt sâu bệnh hay lũ bão là trắng tay. Cho chồng đi Libya, chúng tôi không mong giàu có gì, chỉ hy vọng đủ tiền lo cho hai con ăn học và cải thiện được cuộc sống. Vậy mà anh đi mới được hai tháng đã phải về, khoản nợ 50 triệu đồng, trong đó có khoản vay nóng 25 triệu phải trả vào tháng 4 tới không biết làm thế nào đây", chị Giang lo lắng.
Theo hợp đồng anh Vinh ký với công ty xuất khẩu lao động, trường hợp khối lượng công việc của công ty giảm hoặc do những khó khăn khách quan dẫn tới lao động về nước trước thời hạn thì quyền lợi của họ được giải quyết theo chính sách chung của công ty sử dụng và pháp luật Libya. "Nhưng nay công ty bị đập phá, chủ trốn về nước, Libya đang bạo loạn như vậy, liệu pháp luật của họ có còn bảo vệ quyền lợi của lao động nước ngoài?", chị Giang nói.
Không chỉ chị Anh, chị Giang, hàng nghìn gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động tại Libya đều đang rất lo lắng về khoản vay trước khi đi, bởi hầu hết đều xuất thân từ những vùng quê nghèo. Những người làm việc được từ 6 tháng trở lên với thu nhập khoảng 300 USD mỗi tháng thì còn có thể tích lũy và trang trải được nợ nần, còn người mới sang đã phải về nước thì phải gánh một khoản nợ không nhỏ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các doanh nghiệp còn đang tập trung đưa toàn bộ lao động về nước, do đó việc giải quyết chế độ cho những người phải về nước trước thời hạn chưa được xem xét. "Trước mắt mỗi lao động sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước", một lãnh đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Trao đổi với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp cho biết, theo quy định sau khi thanh lý hợp đồng, lao động sẽ được hoàn trả phí dịch vụ (bằng một tháng lương cơ bản mỗi năm). "Ngoài ra, chủ sử dụng là các công ty nước ngoài sẽ hỗ trợ lao động theo quy định của pháp luật Libya. Nhưng tình hình bạo loạn thế, các công ty này cũng bị thiệt hại nặng, đòi được khoản này rất khó", ông này nói.
Hồng Khánh