Gần 300 người Việt từ Ukraine về đến Hà Nội

 Một tuần trước, chị Trang khóa chặt cánh cửa, vội vã cùng chồng và 2 con di chuyển đến nơi tập trung của cộng đồng tại Odessa, Ukraine, đi lánh nạn. Chiếc xe hơi, căn nhà và tài sản bên trong cũng như hàng hóa ở chợ, chị phải bỏ lại, đổi lấy an toàn cho gia đình.

Không phải khu vực giao tranh ác liệt nhất, song hàng ngày nghe tiếng đạn, tiếng gào thét và theo dõi tin tức khiến chị Trang và gia đình không thể yên lòng. "Mọi thứ xảy ra nhanh quá, mới 2 tuần trước tôi còn bàn với chồng dồn hết tiền mặt trong nhà để lấy hàng hè về bán. Mùa hè là mùa làm ăn, chợ đông người mua. Nhưng giờ đành buông bỏ hết", chị Trang chia sẻ, cho hay khi nhận được thông báo tập trung đi lánh nạn, gia đình chị vội vàng chuẩn bị hộ chiếu, giấy khai sinh của cháu nhỏ và chút tiền mặt rồi lên đường ngay.

Theo chị, nhiều gia đình người Việt vì quá vội vàng đã không kịp mang theo giấy tờ, thậm chí để quên tài sản quý.

Người phụ nữ ngoài 40 tuổi kể lại, trong một tuần kể từ khi rời Odessa, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ rong ruổi trên nhiều cung đường từ Ukraine đến Modolva rồi Romania. Có lúc xe chạy liên tục 2 ngày đêm, chỉ dừng dọc đường để mọi người ăn uống, nghỉ ngơi phút chốc rồi lại chạy tiếp vì lý do an toàn.

Một gia đình người Việt xuống đến sân bay Nội Bài lúc 11h30. Ảnh: Giang Huy

Một gia đình người Việt xuống đến sân bay Nội Bài lúc 11h30. Ảnh: Giang Huy

Danh sách người Việt từ Ukraine đăng ký về Việt Nam nhiều dần lên và thường xuyên được cập nhật, trong khi số lượng chuyến bay đầu tiên chỉ gần 300 người. "Chúng tôi được lên chuyến bay này phấn khởi lắm, nhưng trong lòng không vui nổi. Bao nhiêu của cải tích cóp hơn 10 năm nay không biết sẽ như thế nào", chị Trang ngậm ngùi.

Cũng cư trú tại Odessa, trưa 28/2, anh Đoàn Văn Trà, 42 tuổi, vội vàng gọi vợ và các con khẩn trương chuẩn bị đồ đạc để sơ tán. Quyết định rời khỏi thành phố nơi gia đình đã gắn bó 15 năm được đưa ra rất nhanh, chỉ nửa giờ sau khi Hội người Việt tại Odessa thông báo đã sắp xếp được xe cho kiều bào.

Trên đường sơ tán, anh Trà liên tục kiểm tra hòm thư trên điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội để cập nhật thông tin từ Đại sứ quán và người thân. Lúc này, khoảng 3.000 người Việt từ Odessa tỏa đi khắp các nơi để tránh chiến sự, đa số đi về phía biên giới Ba Lan, hoặc Modolva rồi sang Romania.

Cũng như chị Trang, anh Trà nói cảm thấy may mắn khi gia đình được lên chuyến bay đầu tiên về Việt Nam. "Chúng tôi có con nhỏ, cuộc sống cứ chạy loạn thế này khổ lắm. Thôi đành dứt áo ra đi, của cải mất rồi sẽ kiếm lại. Chứ ở đây hoang mang lắm", anh chia sẻ, cho hay lo lắng nhất là tài sản bị trộm cắp, hủy hoại. "Cuộc sống gây dựng cả chục năm qua liệu sau này còn được như trước nữa không", anh Trà tự hỏi.

Anh kể, sơ tán trong hoàn cảnh gấp rút, lại phải đi liên tục, nên điều kiện ăn uống, ngủ nghỉ rất hạn chế. "Chứng kiến em bé 5, 6 tháng tuổi khóc vì mệt mỏi, ốm sốt, ai trên xe cũng xót xa. Tôi là đàn ông song cũng không kìm được nước mắt", anh Trà nói.

Đoàn xe di chuyển từ thành phố Odessa đi hàng trăm km để đến khu vực cửa khẩu Moldova rồi Romania làm giấy tờ, thủ tục. Thời gian chờ xếp hàng qua cửa khẩu gần một ngày.

Đại diện cơ quan chức năng tặng hoa những gia đình đầu tiên ra đến sảnh chờ sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Đại diện cơ quan chức năng tặng hoa những gia đình đầu tiên ra đến sảnh chờ sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Là một trong những người vẫn bám trụ ở lại, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Odessa, nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của Hội là sơ tán được hết người Việt tại thành phố này sang các quốc gia lân cận để đảm bảo an toàn. Ở lại Odessa đến nay, theo ước tính của ông Đức chỉ còn khoảng 150 người Việt. Trước đó, cộng đồng ở khu vực Làng Sen, với 3 tòa nhà khoảng 300 hộ cũng đã sơ tán gần hết.

Nỗi lo của người ra đi giờ lại thành trách nhiệm người ở lại. Ông Đức cùng một số anh em trong hội, tình nguyện trông coi nhà cửa cho cộng đồng, cố gắng đảm bảo an toàn tài sản, chờ đến khi bà con quay lại.

"Nếu chúng tôi không trông coi cẩn thận, toàn bộ tài sản của hơn 300 gia đình có thể bị phá tan tành ngay", ông Đức nói, cho hay chỉ riêng bãi đỗ xe với hàng trăm chiếc ôtô, có nhiều chiếc thuộc loại đắt tiền, của các gia đình người Việt giờ trông cậy vào những người ở lại.

Khi có báo động của thành phố, nhóm ông Đức kêu gọi bà con bám trụ còn lại vào ngay hầm trú ẩn, tránh thương vong. "Khi thành phố yêu cầu người dân di tản hết, hoặc chiến sự ở đây quá khốc liệt, chúng tôi sẽ tìm địa điểm an toàn để rút, trước mắt cố bám trụ đến khi nào có thể", ông Đức nói.

Kiều bào từ Ukraine chờ làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Kiều bào từ Ukraine chờ làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Ngày 4/3, tức 4 ngày trước khi chuyến bay đầu tiên đưa người Việt từ Ukraine về nước cất cánh, những người như anh Trà, chị Trang đã cởi bỏ được phần nào áp lực, lo lắng.

Tại Romania, bà con được sự hỗ trợ của Đại sứ quán, hội người Việt và sinh viên, học sinh người Việt ở nước sở tại. Mọi người được cung cấp thực phẩm, áo ấm, chỗ ăn ngủ và đặc biệt là được hỗ trợ giấy tờ, thủ tục để kịp lên chuyến bay về nước. "Nhiều gia đình có cháu nhỏ, chưa kịp làm hộ chiếu, cũng không có giấy khai sinh vẫn được làm thủ tục để lên máy bay", anh Trà nói.

Còn đối với chị Trang, kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị suốt chuyến đi là ánh mắt đầy niềm vui khi thấy đĩa gà nướng trước mặt của 2 cô con gái. Giống như chị, hàng trăm gia đình khác đã đến điểm tập trung tại Romania một cách an toàn. Dưới ánh đèn vàng, mọi người quây quần bên nhau để ăn, uống, chia sẻ về những khoảng khắc khó khăn, về dự định sắp tới.

Là một trong những người đầu tiên xuống sân bay tại Nội Bài trưa 8/3, ông Dương Văn Hồng, 59 tuổi, cư trú ở Odessa, bày tỏ cảm ơn cộng đồng người Việt ở Ukraine, Romania và các cán bộ ngoại giao "đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều".

Ông Hồng cho biết gia đình ông đã ở Ukraine gần 30 năm, sau khi chiến sự xảy ra, do tình hình lúc quá cấp bách nên "chúng tôi về nước mà không thể mang gì theo".

Chị Vân Anh, 38 tuổi, học tập và làm việc 20 năm ở thành phố Odessa, nói về đến Hà Nội là cảm thấy bình yên và an toàn, song không khỏi lo lắng khi theo dõi tình hình chiến sự ở Ukraine – quê hương thứ 2 của chị.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 12. Theo cập nhật của Bộ Ngoại giao, tính đến 18h ngày 7/3, 2.200 người Việt sơ tán khỏi Ukraine đã được cơ quan đại diện Việt Nam đón tại Ba Lan. Con số này ở Romania là 830 người, ở Hungary 310 người, tại Slovakia hơn 100 người và Nga khoảng 20 người.

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14438
Số người truy cập:
9011303