F0 tử vong gấp đôi, ngành y tế tìm kế sách giảm ca nặng

 Theo báo cáo ngày 16/12 của Bộ Y tế, so với tháng trước, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%; số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%. Từ giữa tháng 10 đến tháng 11, số ca tử vong trung bình giảm sâu, xuống còn 60-70 một ngày. Giai đoạn này là thời điểm dịch Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ cơ bản kiểm soát và "thích ứng an toàn". Tuy nhiên, một tháng nay, số ca tử vong trung bình tăng mạnh trở lại, ở nhiều địa phương.

Tối 17/12, Bộ Y tế công bố thêm 246 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 243 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 29.103 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. So với châu Á, tổng số ca tử vong ở Việt Nam xếp thứ 9/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN), tỷ lệ tử vong trên một triệu dân đứng thứ 27 châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912, trong đó 5.504 ca thở oxy qua mặt nạ, 1.283 ca thở oxy dòng cao HFNC, 140 ca thở máy không xâm lấn, 966 ca thở máy xâm lấn và 19 ca ECMO. Như vậy số ca nặng đang tiếp tục tăng cao.

Người Thống kê ca cộng đồng, tử vong, ca nặng cả nước từ 17/10 đến 16/12Nguồn: Bộ Y tếCa cộng đồngCa tử vongCa nặng17/10 - 16/1117/11-16/1202k4k6k8kVnExpress

Số ca cộng đồng, ca nặng, tử vong một tháng nay tăng cao so với tháng trước đó

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chiều 16/12, cho biết nhiều F0 tử vong không phải do Covid-19 mà do bệnh nền. Như TP HCM, hơn 93% F0 tử vong là có bệnh nền, thậm chí phần lớn có 2 bệnh nền trở lên, tuổi trên 70.

Nguyên nhân khác khiến tăng số tử vong, theo Bộ Y tế, là do phân loại tình trạng bệnh lý của F0 từ y tế cơ sở chưa tốt, dẫn đến có người thuộc nhóm nguy cơ lại điều trị tại nhà thay vì vào bệnh viện. Ngoài ra, một số địa phương quản lý F0 tại nhà chưa chặt, không phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, hoặc không can thiệp kịp thời, người bệnh dùng thuốc chưa đúng. Một số tỉnh chưa triển khai điều trị F0 tại nhà mà đưa tất cả vào bệnh viện, gây quá tải hệ thống y tế... Tại tầng điều trị 2, 3, việc điều phối chuyển viện, chuyển tầng cho bệnh nhân chưa hợp lý, năng lực điều trị còn kém.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Chiến lược giảm ca nặng, kiểm soát tử vong

Ông Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), nhận định số ca diễn biến nặng, tử vong tăng là "hệ quả tất yếu" khi số ca nhiễm tăng cao, y tế quá tải. Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số bệnh nhân diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vaccine đủ để chủ quan. "Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm đủ vaccine", ông nói. Khoảng 85% ca tử vong tại TP HCM, An Giang... trong nhóm chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ hai mũi.

Trong bối cảnh thích ứng hiện nay, các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm tăng là trong dự đoán, điều quan trọng là kiểm soát tỷ lệ ca nặng và tỷ lệ tử vong. Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu giảm số ca tử vong, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chiều 16/12. Một trong những giải pháp được Thủ tướng gợi ý là để giảm ca chuyển nặng, người dân cần được tiếp cận y tế sớm, từ cơ sở. Ông dẫn chứng người dân mắc Covid-19 phản ánh là không liên hệ được với cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ kịp thời. "Vì vậy, các địa phương phải đáp ứng ngay nhu cầu về y tế của người dân", Thủ tướng nói.

Chiến lược giảm tử vong được Bộ Y tế đề cập trong công văn gửi các địa phương hôm 16/12. Các biện pháp đưa ra là địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Thực hiện "chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" như khẩn trương tiêm vaccine cho người chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Các địa phương tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, mục tiêu là khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.

Bộ Y tế phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ điều trị F0 ở 11 tỉnh, thành phố phía Nam - nơi có số ca nặng và tử vong cao, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch.

Đặc biệt quan trọng là thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế cho rằng đã "chuẩn bị đủ nhu cầu". Bộ Y tế đang dự trữ hơn 1,1 triệu lọ thuốc remdesivir (kháng virus dùng tiêm tĩnh mạch, điều trị bệnh nhân nặng tại bệnh viện), đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị hơn 514.000 lọ. Thuốc favipiravir đã được phân bổ hơn 1,7 triệu viên, Bộ Y tế còn lại 250.000 viên và dự kiến tiếp nhận một triệu viên đến cuối năm. Thuốc kháng virus molnupiravir (thuốc viên dùng đường uống) đang trong quá trình thử nghiệm tại Việt Nam và nhiều nước. Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ cho chương trình thử nghiệm (ở các tỉnh thành cấp cho F0 tại nhà và dùng trong bệnh viện) hơn 6,5 triệu viên molnupiravir, đang dự trữ khoảng 4,5 triệu viên.

Bộ Y tế đang trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, xin cơ chế cấp phép với các thuốc điều trị Covid-19. "Trường hợp được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, thì năng lực sản xuất trong nước sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc kháng virus cho nhu cầu điều trị", theo Bộ Y tế.

Lê Nga


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24513
Số người truy cập:
9026024