F0 bị 'treo' quyền lợi vì giấy nghỉ ốm

 Hai lần là F0 điều trị tại nhà, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, 28 tuổi, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) lâm vào cảnh túng thiếu do không đi làm, giảm thu nhập, trong khi chế độ nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội chưa được giải quyết vì vướng mắc thủ tục.

Cuối tháng 9, chị Dung bị nhiễm Covid-19 lần thứ nhất. Do một mình nuôi con nhỏ, nơi ở biệt lập nên chị đề nghị được điều trị tại nhà. Sau 21 ngày, chị được cấp giấy hoàn thành cách ly. Hết bệnh, nữ công nhân quay lại nhà máy để làm việc nhưng với số ngày công ít ỏi, tháng 10 chị chỉ nhận hơn 2 triệu đồng.

Chị Dung nghỉ việc, cách ly tại nhà khi nhiễm Covid-19 lần thứ 2. Ảnh: An Phương

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung nghỉ việc, cách ly tại nhà khi nhiễm Covid-19 lần thứ 2. Ảnh: An Phương

"Tiền lương chỉ đủ trả nhà trọ, trong khi thuốc thang, ăn uống của hai mẹ con hết gần 6 triệu đồng", người mẹ đơn thân bộc bạch. Sang tháng 11, đi làm được 18 ngày chị tái nhiễm và tiếp tục cách ly tại nhà. Để có tiền trang trải, nữ công nhân phải vay mượn nhiều nơi trong khi chế độ nghỉ ốm ở lần thứ nhất chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

Chị Dung đã nộp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường Tân Tạo A cấp cho cán bộ quản lý nhưng mãi không thấy phản hồi. Với lương cơ bản mỗi tháng 6,8 triệu đồng, nếu bảo hiểm xã hội chi trả, chị sẽ nhận hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi gọi điện hỏi nhà máy, nữ công nhân nhận được trả lời bảo hiểm chỉ giải quyết trường hợp có giấy ra viện, trong khi trạm y tế phường lại "chưa có chỉ đạo cấp giấy nghỉ ốm".

Theo thống kê của Pouyuen Việt Nam, chị Dung là một trong hơn 1.100 lao động của nhà máy mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận chế độ ốm đau kể từ khi nhà máy hoạt động trở lại hôm 5/10. Phía công ty cho hay chỉ 20% lao động mắc Covid-19 được bảo hiểm chi trả vì có giấy ra viện, số còn lại bị từ chối do không đủ giấy tờ, phổ biến nhất là thiếu giấy nghỉ ốm y tế địa phương cấp.

Tương tự, từ khi TP HCM "mở cửa", Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) ghi nhận gần 900 F0. Trước đây F0 ở công ty phải điều trị tại nhà chỉ cần giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly sẽ được bảo hiểm thanh toán chế độ nghỉ ốm, tương đương 75% lương. Tuy nhiên, chỉ một số hồ sơ nộp trước đó được giải quyết. Nhiều hồ sơ gần đây khi nộp bị bảo hiểm trả lại, yêu cầu bổ sung giấy nghỉ ốm cho khoảng thời gian cách ly, điều trị tại nhà.

"Sản xuất của nhà máy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 900 người cùng nghỉ việc đi xin giấy nghỉ ốm ở trạm y tế phường", ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam nói. Nhà máy cũng nhận được một số phản ánh của người lao động về việc không xin được giấy nghỉ ốm do trạm y tế chưa được hướng dẫn.

Thông báo của một trạm y tế ở TP Thủ Đức về việc cấp giấy nghỉ ốm. Ảnh: An Phương

Thông báo của một trạm y tế ở TP Thủ Đức về việc cấp giấy nghỉ ốm. Ảnh: An Phương

Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Phan Văn Mến nói khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thành phố là nơi đầu tiên cả nước cho phép cách ly, điều trị F0 tại nhà. Lúc này, bảo hiểm phát sinh tình huống giải quyết chế độ ốm đau cho người mắc Covid-19 chữa trị tại nhà, nhưng lúc đó ngành y tế chưa có hướng dẫn. Đồng thời, theo yêu cầu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), địa phương chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly cho F0 khỏi bệnh.

Để đảm bảo quyền lợi kịp thời cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ thông tin trên giấy hoàn thành cách ly và xác nhận của nơi họ làm việc để giải quyết chế độ nghỉ ốm. Đến nay thành phố có hơn 10.000 người nhận được tiền.

Tuy nhiên, ngày 19/11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu F0 cách ly tại nhà phải có giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội mới được giải quyết. Các trường hợp đã chi trả cần bổ sung giấy này để đúng quy định tại Thông tư 56 hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, toàn bộ hồ sơ mới tiếp nhận phải trả về cho người lao động. Việc chi trả chế độ bảo hiểm cho người nhiễm điều trị tại nhà tạm dừng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng, theo yêu cầu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, các F0 ở thành phố tại đợt dịch thứ 4 tham gia bảo hiểm xã hội phải xin giấy nghỉ ốm cho thời gian cách ly, điều trị tại nhà để hoàn thiện hồ sơ. Việc này sẽ gây quá tải cho ngành y tế, ảnh hưởng sản xuất của các nhà máy. Bởi có thời điểm thành phố ghi nhận gần 84.000 F0 điều trị, cách ly tại nhà.

Hôm qua, Sở Y tế TP HCM có văn bản yêu cầu các đơn vị chăm sóc F0 tại nhà, khu cách ly tập trung nhanh chóng cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội để người lao động nhận chế độ theo quy định. Đơn vị này sẽ có kiến nghị với Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn mà địa phương gặp phải.

Lê Tuyết

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27476
Số người truy cập:
9030460