Đó là nội dung dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều về Luật phòng chống bạo lực gia đình đang được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp.
Theo đó, các hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình gây tổn hại về sức khỏe, tổn thương tinh thần sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp nặng hơn như bắt người thân nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét, mặc rách, giam hãm tại nơi có môi trường độc hại, mức phạt 300.000 đến 500.000 đồng.
Việc chăm sóc của chồng đối với vợ nếu không chu đáo cũng có thể bị phạt 500.000 đồng. Đó là hành vi bỏ mặc phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ... Quy định này mở rộng ra cả với các thành viên gia đình nếu không chăm sóc người già yếu, tàn tật.
Đặc biệt, trong quan hệ "phòng the" của vợ chồng, nếu người phụ nữ bị cưỡng ép thực hiện các hành vi khiêu dâm, xem hình ảnh sex ngoài ý muốn; hay phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục của chồng với người khác thì người chồng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 1 triệu đồng.
Hành vi ép vợ sử dụng thuốc kích dục, sử dụng bạo lực trong sinh hoạt "giường chiếu" hay người vợ bị ép phải sống chung, ngủ chung với người tình của chồng hoặc ngược lại cũng sẽ bị xử lý như trên.
Chửi chồng sẽ bị phạt 300.000 đồng
Dự thảo cũng quy định khá chi tiết về hành vi "hành hạ tinh thần" với thành viên gia đình. Theo đó, việc lăng mạ, chửi bới, chì chiết sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hay cưỡng ép thành viên gia đình lột bỏ quần áo trước mặt nhiều người hoặc tại nơi công cộng, mức phạt tiền tăng thêm 200.000 đồng.
Việc cô lập cấm ra khỏi nhà, tiếp xúc với người thân, mối quan hệ xã hội; không cho xem tivi, đọc sách báo, tiếp cận với phương tiện truyền thông... bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trong gia đình, người nào kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình hoặc tài chính chung nhằm tạo sự lệ thuộc của người khác vào mình; hay bắt đóng góp tài chính vượt quá khả năng.... cũng coi là "hành vi bạo lực về kinh tế". Mức phạt tối đa 5 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng. Trường hợp bố mẹ hay những người khác ép buộc thành viên trong gia đình đi ăn xin cũng bị xử lý như trên.
Khoản tiền phạt 500.000 đến 1 triệu đồng được áp dụng với người thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên trong gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp vào ban đêm hoặc lúc trời mưa báo, gió, rét; hay gây sức ép để buộc họ phải rời khỏi nhà.
Nghị định không chỉ quy định mức xử lý với người có hành vi bạo hành mà cả người xúi giục, giúp sức cũng bị đề nghị xử lý. Mức xử lý trong trường hợp này là 300.000 đến 500.000 đồng.
Chồng bạo hành bị cấm đến gần vợ trong 30 mét
Nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Họ sau đó còn được bố trí nơi tạm lánh, và địa điểm này được giữ bí mật. Thẩm quyền xử phạt hành chính với người vi phạm thuộc về chính quyền xã, huyện; công an hoặc trưởng công an xã, huyện; thanh tra viên hay chánh thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch các cấp...
Tùy theo vi phạm, chủ tịch UBND xã có thể ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực đến gần nạn nhân trong khoảng cách 30 m. Trường hợp giữa hai người có sự ngăn cách về tường rào hoặc vật có tính chất thương tự ngăn cách và đủ đảm bảo an toàn cho nạn nhân thì không áp dụng quy định về khoảng cách.
Biện pháp này sẽ được "dỡ bỏ" khi có đơn yêu cầu của nạn nhân, người ra quyết định thấy không cần thiết phải áp dụng... hoặc khi khi gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi; có người bị tai nạn, bệnh nặng; hay các trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Theo Luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua, ngày 21/11/2007, trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp là cán bộ công chức thì bị thông báo hành vi cho người đứng đầu cơ quan để giáo dục.
Theo VnExpress