Éo le chuyện chồng tâm thần giết vợ

Sau vụ trọng án vừa xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, một lần nữa, vấn đề quản lý người tâm thần để phòng ngừa tội phạm lại trở thành nỗi băn khoăn lớn của người dân.

Người tâm thần gây án lần này là anh Nguyễn Văn Bằng (41 tuổi, ở khu 6, thị trấn An Châu). Trong phút mất kiểm soát bản thân, Bằng đã dùng thanh củi đánh nhiều nhát vào đầu và mặt vợ mình là chị Phùn Thị Ngắn (37 tuổi) khiến nạn nhân tử vong sau đó. Đáng nói, theo gia đình Bằng cho biết, họ đã đưa Bằng đi khám và biết Bằng bị tâm thần phân liệt từ trước nhưng do gia cảnh khó khăn, chưa có điều kiện giúp Bằng điều trị tận gốc căn bệnh này và phải để anh ta sinh hoạt tại nhà như một người bình thường.

Buổi sáng kinh hoàng

Là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, bà La Thị Sen (65 tuổi, hàng xóm nhà anh Bằng) bàng hoàng khi thuật lại sự việc: “Khoảng gần 7h ngày 11-6, tôi đang ở nhà thì nghe tiếng kêu cứu phát ra từ nhà vợ chồng Bằng - Ngắn. Tôi vội chạy sang thì thấy chị Ngắn nằm dưới đất, cạnh bếp, người bê bết máu. Tôi liền kêu hét gọi dân làng đến”.

Liền sau đó, bà con làng xóm rầm rập chạy tới hiện trường. Anh Nguyễn Văn Lý (48 tuổi, anh trai của Bằng) thất thần kể lại: “Khi bà Sen hô hoán, tôi đang làm cỏ ngô gần đó nên chạy sang ngay. Đến nơi, tôi thấy chị Ngắn đang nằm im trên vũng máu, xung quanh là mấy mảnh củi và cái bát vỡ. Còn nó thì lẳng lặng vào nhà, mặt thờ thẫn. Chúng tôi một mặt đưa vợ nó đi bệnh viện, mặt khác nhốt nó trong nhà rồi gọi công an đến đưa nó đi”. Dân làng hốt hoảng kêu xe chở chị Bằng đi cấp cứu nhưng trước khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động, nạn nhân đã tử vong do thương tích quá nặng.

Anh Nguyễn Văn Lý cho biết thêm: “Thằng Bằng bị bệnh tâm thần phân liệt đã gần 3 năm nên lúc tỉnh, lúc mê, đầu óc không được bình thường. Trước đây cứ mỗi tháng nó phát bệnh chừng một, hai lần, biểu hiện là bỗng dưng nóng nảy, vô cớ chửi bới. Dẫu từ hè đến giờ, tuần nào nó cũng giở chứng nhưng thực tình tôi cũng không dám nghĩ là nó lại có thể làm chuyện đó. Vợ chồng chúng nó thương nhau lắm. Cái Ngắn là đứa hiền lành, chăm chỉ...”.

Không ai trách hung thủ

Chúng tôi bước vào nhà Bằng, xin phép gia đình được thắp cho chị Ngắn một nén hương. Nằm bệt trên giường, mẹ ruột của đối tượng Bằng là bà Nông Thị Lịch phải mất hồi lâu mới gượng ngồi dậy được. Nước mắt ngắn dài, bà Lịch đau xót: “Cái Ngắn thì chịu khó, chăm chỉ, thằng Bằng cũng hiền lành.

Trước đây, con trai tôi cũng đi làm phụ xây và mấy nghề lặt vặt nhưng mà từ lúc bị bệnh thì nó chỉ làm quanh nhà thôi. Những lúc thằng Bằng phát bệnh, nó hay quát tháo, chửi bới cái Ngắn nhưng vợ nó không một lời phàn nàn. Được cái thằng Bằng thương vợ nó lắm. Chửi bới thì chửi bới thế thôi nhưng khi tỉnh lại, nó đều xin lỗi vợ ngay. Vợ chồng chúng nó thương yêu nhau là thế mà...”.

Nhà cha mẹ đẻ của chị Ngắn ở xóm Đồng Thủm, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động. Tiếp phóng viên trong căn nhà tồi tàn của mình, ông Phùn Văn Nhúc (76 tuổi, cha đẻ chị Ngắn) thất thần nói: “Con Ngắn nhà tôi là đứa thứ 5 trong 10 anh chị em. Bình thường nó là đứa rất ngoan ngoãn, hiền lành, chịu thương, chịu khó. Nhà vốn nghèo khó, khi cái Ngắn lấy được chồng ở thị trấn, tưởng rằng cuộc sống nó sẽ bớt khổ. Ai ngờ...”.

“Tôi cũng không trách gì thằng Bằng cả. Trước nó là thằng rể hiền lành, chịu khó, tuy ít học nhưng bù lại, rất chăm chỉ làm ăn. Lúc nào bên ngoại có công việc gì, cả vợ chồng con cái nhà nó đều lên làm hộ. Chúng nó sống hòa thuận và thương yêu nhau lắm. Nhưng từ lúc thằng Bằng bị bệnh thì gia đình nó ít lên đây hắn.

Chỉ thương cho cái Ngắn, từ lúc thằng Bằng bị bệnh, nó vừa phải làm thêm kiếm tiền vừa chăm sóc chồng con đến tội. Lại còn hai thằng cháu của tôi nữa. Không biết rồi đây chúng sẽ thế nào khi thằng lớn mới 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi... Ông bà hai bên sẽ cố có vun vén vào nhưng làm sao mà bù đắp lại nổi tình cha mẹ?”, ông Nhúc thở dài.

Gần đây, số lượng vụ trọng án mà thủ phạm là người tâm thần đã liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại, những can phạm này thường phạm các tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, họ thường hại chính người thân của mình và gây án với nhiều người một lúc, hậu quả để lại rất nặng nề.

Để quản lý, chăm sóc số người mắc bệnh tâm thần đạt hiệu quả, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất số vụ phạm pháp hình sự xảy ra, mới đây Công an một tỉnh phía Bắc đã tham mưu cho UBND tỉnh này thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội nhằm thu gom bệnh nhân tâm thần vào quản lý và chăm sóc. Có lẽ đã đến lúc các địa phương khác cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề quản lý người tâm thần để xua đi nỗi ám ảnh của người dân.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
18562
Số người truy cập:
7497002