Đầu tháng 4, công trường dự án khá lặng lẽ với khoảng 5 xe lu, ôtô tải, máy xúc, cùng một số công nhân thi công nền đường. Dọc dự án từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp, tuyến song hành đã thành hình, trong đó một số đoạn được trải nhựa, nhưng chưa liên thông. Cầu Mương Kênh thuộc dự án cơ bản xong phần kết cấu, nhưng không khí thi công các hạng mục còn lại khá im lìm...
Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây khởi công tháng 4/2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư 869 tỷ đồng. Dự án gồm hai đoạn song hành xây bên phải tuyến cao tốc, rộng 20 m, 4 làn xe. Trong đó, đoạn một dài 2,7 km, nối đại lộ Mai Chí Thọ qua đường Đỗ Xuân Hợp. Đoạn còn lại hơn 600 m, nối tuyến D11 qua Vành Đai 2. Cùng với tuyến đường, dự án còn xây ba cây cầu gồm Bà Dạt, Mương Kênh, Bà Hiện, đồng thời cải tạo nút giao, làm hệ thống thoát nước, chiếu sáng...
Công trình dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, góp phần giảm áp lực giao thông cho nút giao An Phú và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau 5 năm khởi công, đến nay tuyến đường vẫn dở dang. Xe từ trung tâm thành phố vẫn phải tập trung đến nút giao An Phú và theo đường dẫn cao tốc qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc, khiến đoạn đường trên thường xuyên ùn tắc.
Theo một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, công trình đã đạt khoảng 80% khối lượng. Tuy nhiên, thời gian qua nhà thầu thi công cầm chừng do phần mặt bằng khu vực hầm chui cầu Bà Dạt (phường An Phú) và đoạn cuối tuyến (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) chưa hoàn tất giải toả. Bên cạnh đó, dự án cũng đang chờ rà soát, giải quyết các thủ tục thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT.
Trước đó năm 2015, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đề xuất làm dự án tuyến song hành nêu trên theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BT. Một năm sau, UBND thành phố quyết định giao đơn vị trên thực hiện dự án theo hình thức chỉ định trong trường hợp đặc biệt (Điều 26 Luật Đấu thầu), sau khi được Chính phủ đồng ý.
Ngày 28/4/2017, hợp đồng BT giữa chính quyền thành phố và nhà đầu tư ký kết, nhưng ngoài Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc còn thêm Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước cùng liên danh thực hiện. Liên danh này sau đó thành lập Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương làm doanh nghiệp dự án, tiếp nhận việc thực hiện hợp đồng.
Tiếp đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, lúc này là Phó chủ tịch UBND TP HCM, đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty Nguyên Phương sử dụng các khu đất tổng diện tích hơn 14,8 ha thuộc Khu tái định cư trong khu dân cư 90 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức). Trong đó, diện tích đất ở dùng để xây nhà thấp tầng khoảng 7,6 ha, còn lại làm các công trình nội khu, công cộng...
Tuy nhiên, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước liên quan dự án này, tại thời điểm ra quyết định giao đất thanh toán, thành phố chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để làm các dự án khác. Đến cuối tháng 8/2019, hợp đồng dự án xây tuyến song hành hết thời gian, nhưng các bên chưa hoàn tất thủ tục gia hạn... Do đó, cơ quan kiểm toán đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo sở ngành xem xét, điều chỉnh hợp đồng BT về thời gian thực hiện, giá trị dự án theo kết quả kiểm tra.
Hiện, UBND TP HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thành phố thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT. Thành phố cũng yêu cầu Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương thực hiện theo kết luận kiểm toán trong việc giảm thanh toán chi phí đầu tư, giá trị hợp đồng BT, thuế giá trị gia tăng...
"Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã đề nghị TP Thủ Đức xác định thời gian hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng vì đây là cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện dự án", đại diện Sở Giao Giao thông Vận tải nói.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường thành phố đang tập trung hoàn tất các nội dung như báo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án; xác định giá trị đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án... nhằm đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính, giảm chi phí phát sinh do chậm tiến độ.
Gia Minh