Đúng sai tên gọi "Kỳ đài" của Cột cờ HN

Tên gọi "Kỳ đài Hà Nội" có xa lạ?

Gần đây, một bài viết về tấm biển đề hàng chữ “Di tích Kỳ đài” trên đường Điện Biên Phủ được đăng tải trên một số báo và diễn đàn đã gây nên nhiều phản ứng trong dư luận. Tác giả bài viết cho rằng, Cột cờ Hà Nội nổi tiếng đã bị đổi tên thành “Kỳ đài” và đưa ra các ý kiến nhằm phủ nhận tên gọi “xa lạ” này.

Tuy vậy, xét trên bình diện lịch sử, sự phủ nhận tên gọi Kỳ đài có đúng đắn hay không?

Có một thực tế không ai có thể bác bỏ là hiện nay trên Cột cờ Hà Nội vẫn còn tấm biến đề hai chữ “Kỳ đài”. Tấm “biển tên” này đã có từ khi công trình được xây dựng cách đây tròn 200 năm.

Chính sử triều Nguyễn, triều đại đã xây công trình này cũng không bao giờ dùng từ cột cờ khi nói về Kỳ đài Hà Nội. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về Hoàng thành Hà Nội như sau: “Các cửa thành đều bắc cầu đá qua hào. Mặt trước chính giữa xây kỳ đài. Bốn phía trên mặt thành xây 24 pháo đài”.

Trên bình diện dân gian, người Hà Nội lưu truyền bài thơ về Cột cờ Hà Nội như sau: “Kỳ đài năm thước vút trời cao/Thông đạt trong tâm có đường vào/Trong sáng muôn nơi dồn cả lại/Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao!”

Ở bài thơ này, tên gọi Kỳ đài mang hàm ý trang trọng, tự hào và chắc chắn không thể là một tên gọi xa lạ.

“Kỳ đài” hay “Cột cờ” đều đúng

Có thể khẳng định, không có chuyện Cột cờ Hà Nội bị đổi tên thành “Kỳ đài” mà ngược lại, chính Kỳ đài Hà Nội đã bị đổi tên thành “Cột cờ”. Việc quần chúng đặt thêm một tên gọi “bình dân” bên cạnh tên gọi gốc của một công trình lớn là hiện tượng bình thường ở Hà Nội.

Đúng sai tên gọi "Kỳ đài" của Cột cờ HN, Tin tức trong ngày, cot co ha noi, cot co hn, cot co, ky dai, tin hot, tin hay, tin tuc

Tấm biển ghi tên "Kỳ đài" vẫn còn trên cột cờ Hà Nội.

Có thể dẫn chứng một số trường hợp “đổi tên” điển hình như Bắc Môn gọi là Cửa Bắc, Nhà thờ Chính tòa Hà Nội gọi là nhà thờ Lớn, chùa Diên Hựu là chùa Một Cột. Đối với các công trình này, cả cách gọi tên nguyên gốc và tên dân gian đều đúng. Trong đó, tên gọi dân gian phù hợp phù hợp với ngôn ngữ bình dân, còn tên gọi nguyên gốc được sử dụng khi cần sự trang trọng, chính thống.

Bởi vậy, việc tấm biến trên đường Điện Biên Phủ ghi tên gọi gốc của Cột cờ Hà Nội là “Kỳ đài” hoàn toàn không có gì sai.

Trong cộng đồng mạng, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình với điều này. Thành vien Tran Le, chia sẻ trên một mạng xã hội: “Đã là người Hà Nội thì không thể không được biết về tên gọi gốc của Cột cờ Hà Nội. Tấm biển ghi tên Kỳ đài là một sự trân trọng lịch sử. Còn tên gọi Cột cờ thì chẳng cần trưng biển cũng sẽ mãi mãi được lưu giữ trong tâm trí người Hà Nội”.

Trước ý kiến bài xích tên gọi “Kỳ đài” chỉ vì tên gọi này “không thuần Việt”, thành viên nick tmj27, trên một diễn đàn bình luận: “Thế tên em là Thanh Hải, giờ cho nó "thuần Việt" thì đổi tên thành "Biển Xanh", Thăng Long thì ta đổi thành "Rồng Bay", "Trường Chinh" thành "Đi đường dài" à? Thuần Việt thì thuần Việt, cái gì nó là tên riêng, ý nghĩa riêng thì cứ để nguyên nó cho đúng với lịch sử chứ. Còn vụ "Cột cờ Hà Nội", đấy là tên dân gian mình gọi như thế, gọi thành quen rồi thôi, chứ về mặt lịch sử là "Kỳ đài", phải để nguyên, hay cứ gọi quen rồi thì phản đối?”.

Có ý kiến cho rằng, để tất cả mọi người cảm thấy thỏa mãn, nên ghi đồng thời cả hai cái tên trên biển di tích, ví dụ như “Di tích Cột cờ Hà Nội (tên gọi ban đầu là Kỳ đài)”.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5309
Số người truy cập:
9246604