Cà chua
Cà chua có vị chua, dùng nước xay, ép từ cà chua sẽ có công hiệu thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can. Lycopen chứa trong cà chua ức chế các loại nấm và vi khuẩn. Nó còn có công hiệu sinh tân (tạo thể dịch), giải khát, kiện vị tiêu thực và lợi tiểu. Cà chua sắc màu tươi rói sẽ cho dinh dưỡng phong phú.
Dưa leo
Dưa leo (hay dưa chuột) có tính vị hơi mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, trừ thấp, hoạt trường, trấn thống (giảm đau). Dùng nước xay từ dưa chuột có chứa nhiều vitamin và chất khoáng. Propanoic acid chứa trong dưa chuột sẽ ức chế đường chuyển thành chất béo, nên dưa chuột cũng là thức ăn tốt giảm béo phì. Dưa chuột chứa nhiều nước, đặc biệt thích hợp xay thành thức uống, là một trong những thức uống tốt giải thử (chống nóng). Nước xay từ dưa chuột tươi còn có thể làm mỹ phẩm (có công hiệu tẩy sạch làn da).
Cà rốt
Có vị ngọt, tính bình, công dụng kiện vị thông tiện hóa trệ. Dùng nước xay ép từ cà rốt có tác dụng giảm áp, cường tim, tiêu viêm và chống dị ứng. Trộn nước cà rốt cùng các nước rau quả khác uống chung, cho mùi vị càng ngon. Nước cốt cà rốt cùng sữa bò mỗi thứ một lượng bằng nhau hòa lại, sẽ cho một loại thức uống cường thân tốt nhất, vừa chứa nhiều vitamin, vừa chứa nhiều protid và can-xi.
Nước cốt rau cần
Rau cần tính vị ngọt, tính mát, có tác dụng hạ áp lợi tiểu, mát máu và cầm máu. Dùng nước xay ép từ rau cần đối với các chứng tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tiểu nóng rát không thông, phong thấp, phụ nữ huyết trắng… Nó là thức uống giúp tăng sự thèm ăn, trợ tiêu hóa, giảm huyết áp. Khi dùng rau cần xay ra nước cốt cần lưu ý hai điều: nên bỏ đi phần lá để bớt vị đắng; nên chọn loại rau cần có màu đậm thì chất dinh dưỡng càng dồi dào.
Nước cốt củ năng
Củ năng có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giảm huyết áp, lợi tiểu. Nước xay ép từ củ năng sẽ có chứa chất kháng khuẩn đối với staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng), E-coli, pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh).
Nước ép từ rau củ khi chế biến xong nên dùng hết trong ngày, vì để lâu sẽ biến chất, hư hỏng, gây ngộ độc.
Lương y Bàng Cẩm