Câu hỏi đặt ra là bạn đã sử dụng máy hút bụi cầm tay của mình đúng cách chưa? Nên lưu ý các quy tắc hút bụi quan trọng dưới đây để đảm bảo công việc lau dọn nhà được hiệu quả nhất.
Ảnh minh họa: Greener Idea.
Sử dụng đúng loại máy hút bụi
Bạn có đang sử dụng máy hút phù hợp với loại sàn nhà mình không? Ví dụ, máy hút bụi cầm tay với phần đầu hút chân không có thanh đập (beater bar) là lựa chọn tối ưu để làm sạch thảm nhưng thanh đập không thể tháo rời lại có thể làm hỏng sàn bề mặt cứng.
Trước khi mua máy hút bụi, nên xem xét kỹ phụ kiện của máy, loại sàn nhà hiện tại và decor nhà bạn. Điều này giúp bạn chọn được sản phẩm hợp lý. Ví dụ, nhà bạn có nhiều tầng, không có nhiều ổ điện, không nên mua loại có dây mà nên chọn loại không dây...
Nên nhớ, mỗi máy hút bụi, dù là loại nào, cũng đều có hướng dẫn sử dụng riêng. Nên dành thời gian đọc hướng dẫn vận hành để xem chúng có phù hợp và tiện dụng như nhu cầu của bạn hay không.
Làm quen với cấu tạo, các phụ kiện của máy hút bụi
Máy hút bụi cầm tay về cơ bản có ống hút dẫn không khí, hộp chứa rác, bộ lọc giúp giữ bụi bẩn và xả không khí, động cơ tạo lực hút, lỗ xả... Khi mua máy, bạn nên mở sản phẩm ra để xem cấu tạo của chúng và biết rõ quy trình hoạt động của máy.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về các phụ kiện của máy hút bụi và thành thạo sử dụng chúng trong từng không gian khác nhau. Ví dụ, bạn thay đầu hút dẹt khi hút bụi ở các khe, dọc các cạnh của tường, sàn, giữa thảm trải sàn và ván chân tường... Thiết bị này cũng hữu ích khi làm sạch đệm ghế sofa, bệ cửa hẹp. Bộ đầu hút dạng chổi cọ thường có chổi lông mềm, giúp quét bụi trên vải bọc, màn, rèm cửa... Khi làm sạch cầu thang, vải bọc, thảm, bạn thay đầu hút dạng thanh đập là phù hợp.
Luôn làm sạch bộ lọc và hộp chứa rác
Máy hút bụi phải luôn được giữ sạch sẽ để ở điều kiện hoạt động tối ưu. Máy không thể hoạt động tốt khi chứa đầy bụi và bẩn. Do đó, luôn đổ hộp rác, làm sạch bộ lọc trước khi bấm máy. Bạn cũng phải kiểm tra xem phần thanh đập có bị tắc nghẽn, chổi lăn có quay tự do không. Tuyệt đối không để dây rợ, lông, tóc... quấn quanh phần chổi cọ của bộ đầu hút. Dùng tay úp vào ống hút để cảm nhận lực hút xem độ mạnh ra sao. Trong trường hợp lực hút yếu, bạn nên kiểm tra xem ống có tắc nghẽn không.
Dọn phòng trước khi bấm máy
Để tiết kiệm thời gian, trước khi vận hành máy hút, bạn nên dọn phòng trước đã. Hãy dọn dẹp cho không gian bớt lộn xộn, đồ đạc cần phải được thu gọn. Nên nhặt những vật dụng cứng, to để tránh khả năng chúng bị mắc vào, gây hỏng máy hút. Lau sạch những chỗ có nước thành vũng, vì chúng có thể kết dính vào bụi, làm tắc bộ lọc.
Các bước hút bụi
Với sàn có thảm, nếu không thể lật thảm lên, bạn dùng đầu hút dẹt để hút bụi ở kẽ hở giữa tường và thảm. Sau khi bốn cạnh của phòng đã sạch, bạn chuyển sang dùng loại thanh đập hoặc chổi lăn để hút bề mặt thảm. Cần điều chỉnh độ cao của đầu hút phù hợp với thảm, đừng ấn vào thảm quá mạnh, chúng có thể làm rụng lông thảm. Cũng đừng làm ngược lại, bụi có thể không bị hút đi. Cầm máy hút bụi và kéo những đường từ từ, dài, trơn tru trên bề mặt thảm. Hầu hết các máy hút cần ít nhất hai lần đi qua một tấm thảm để loại bỏ bụi bặm một cách hiệu quả. Nên hút từ trái sang phải, trên xuống dưới. Ở các gầm ghế sofa, tủ..., bạn đổi sang loại đầu hút tròn để dễ thao tác.
Trong trường hợp bạn có thể lật thảm lên, đầu tiên là hút sạch thảm, sau đó cuộn thảm lại và thao tác hút bụi trên sàn, trước khi cho thảm về vị trí.
Lưu ý, với sàn cứng (mặt gỗ, sàn gỗ công nghiệp, gạch men... ) đầu hút nên là loại có con lăn bọc vải.
Bề mặt cứng không bám bụi bẩn như thảm nên bạn chỉ cần hút bụi bề mặt một lần. Thao tác chính xác vẫn là vẫn là bắt đầu dọc theo một cạnh của căn phòng, hút bụi từ từ theo mô hình lưới để đảm bảo toàn bộ căn phòng được làm sạch.
Thùy Linh (Theo Spruce)