Đưa nhau ra tòa tranh tiền đền bù giải tỏa đô thị Thủ Thiêm

Ngay khi thực hiện Quyết định 06 của UBND TP HCM, áp dụng cho việc đền bù giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, số hồ sơ tranh chấp tại phường An Khánh đã lên đến gần 60 trường hợp, khiến địa phương lúng túng giải quyết không xuể. Sở dĩ hồ sơ tranh chấp phát sinh nhiều tại địa phương này vì An Khánh là một trong 2 phường bị giải tỏa trắng để triển khai xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm.

Với mức giá đền bù hỗ trợ mới cao gấp 3 lần so với trước đây, các hộ dân có hồ sơ gốc từng được nhận suất tái định cư hoặc tiền bồi thường sẽ tiếp tục "trúng số" bất ngờ. Bởi lẽ, khoản hỗ trợ bổ sung lần này vượt xa khung giá theo Quyết định 135 (năm 2002) và 123 (năm 2006). Theo thống kê của Ban bồi thường giải phóng quận 2, có nhiều trường hợp nhận tiền hỗ trợ bổ sung lên đến vài chục tỷ đồng. Đây cũng là lý do các hồ sơ ủy quyền và mua bán đang im ỉm bỗng bùng nổ tranh chấp trong nhiều ngày nay.

Theo quy định, các trường hợp đã được bố trí tái định cư nhưng vì lý do cá nhân đã chuyển nhượng căn hộ, nền đất cho người khác vẫn được hỗ trợ đầy đủ phần chênh lệch. Khoản hỗ trợ này chỉ xét chi trả cho đúng người đứng tên hồ sơ gốc, chứ không chi trả cho người nhận chuyển nhượng. Từ đó phát sinh nhiều tranh chấp.

Năm 2005, ông Tuấn mua suất tái định cư của bà Xinh. Thế nhưng bán phiếu tái định cư và giao hồ sơ gốc cho ông Tuấn xong thì bà Xinh lánh mặt cho đến nay. Khi quận 2 tiến hành chi trả hỗ trợ bổ sung với khung giá cao hơn 3-4 lần so với lúc đầu thì ông Tuấn nộp đơn ngăn chặn hồ sơ của chủ đất cũ. Ông lo ngại bà Xinh sẽ khai mất hồ sơ gốc và làm lại một bộ hồ sơ mới để ôm trọn khoản tiền hỗ trợ bạc tỷ.

Tương tự, UBND phường An Khánh đã tiếp nhận rất nhiều đơn cớ mất hồ sơ gốc nhà đất cũng như suất tái định cư trong thời gian vừa qua để xin cấp lại. Tuy nhiên, cán bộ phường cho biết, hầu hết trường hợp này đều không đơn thuần là thất lạc hồ sơ mà nhiều khả năng họ đã bán nhà đất và phiếu tái định cư. Do đó, tất cả trường hợp cớ mất này phải được xác minh, đối chiếu kỹ lưỡng, thậm chí làm cam kết trước khi giải quyết.

Người dân đến trụ sở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 làm hồ sơ hiệp thương đền bù, hỗ trợ bổ sung. Ảnh: Vũ Lê.

Một vụ xung đột quyền lợi đã tái diễn nhiều lần như cơm bữa là trường hợp ông Thái mua 2.000 m2 đất của bà Hồng từ năm 2000. Ông Thái đã từng nộp đơn nhờ chính quyền phường An Khánh hòa giải để được chia đôi lợi nhuận với chủ đất cũ theo Quyết định 123. Vào thời điểm đó, bà Hồng đã chia một nửa số tiền nhận được cho ông Thái. Song, khi giá đất hỗ trợ đền bù tăng lên 3 lần thì ông Thái lại đứng ngồi không yên, tiếp tục đâm đơn cầu cứu UBND phường An Khánh ngăn chặn hồ sơ của chủ đất cũ một lần nữa.

Gây ầm ỹ đến độ không hòa giải được và phải đưa nhau ra tòa là trường hợp của ông Hà đã gom 1 suất tái định cư và nền đất tại phường An Khánh cách đây vài tháng bằng thủ pháp trả giá cực cao, lên đến bạc trăm triệu. Ngay khi thành phố áp dụng Quyết định 06 thì ông Hà phát đơn tranh chấp yêu cầu UBND phường An Khánh ngừng chi trả bổ sung cho chủ đất cũ. Hiện hồ sơ vụ tranh chấp này đã được chuyển lên tòa án quận do hòa giải cấp phường bất thành.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 24/2, Phó chủ tịch UBND phường An Khánh Nguyễn Ngọc Trọng cho biết: "Vì tiền mà nhiều người không từ một thủ đoạn nào để đưa đơn kiện đòi quyền lợi. Khi thực hiện Quyết định 06, lượng hồ sơ tranh chấp nhiều hơn, đơn cớ mất hồ sơ nhà đất bản gốc cũng tăng lên làm phường giải quyết không xuể".

Theo ông Trọng, các trường hợp xảy ra tranh chấp như trên đều không thể giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều. Khi hòa giải, phường phải mời được cả hai bên tranh chấp và lập tổ kiểm tra gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND phường, Hội nông dân và cán bộ tư pháp cùng có mặt.

Lãnh đạo phường An Khánh cho hay sẽ kiến nghị lên UBND quận 2 và thành phố để được hướng dẫn cụ thể cách giải quyết các trường hợp trên, vì không khéo lượng hồ sơ tranh chấp lại tiếp tục tăng lên trong vài ngày tới. Ông cho rằng nếu cứ tình hình như hiện nay sẽ kéo dài thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ, trì hoãn việc thực hiện Quyết định 06 trong năm 2009 đúng như dự kiến, dẫn đến chậm tiến độ xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Quan điểm của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, các trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ ngừng chi trả cho đến khi đôi bên thương lượng xong. Nếu hòa giải bất thành thì chuyển hồ sơ lên tòa án để xử lý theo quy định. Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo giao Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các cuộc tranh chấp này vẫn được giải quyết chậm chạp theo cách cũ.

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) tọa lạc trên bán đảo Thủ Thiêm, nằm đối diện quận 1 qua sông Sài Gòn. Dự án rộng 930 ha, trong đó 770 ha là khu đô thị mới và 160 ha là khu tái định cư. Đây sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại mới của TP HCM trong tương lai với các tòa nhà cao từ 10 đến 40 tầng. Khu dân cư trong đô thị này có sức chứa 130.000 dân tại chỗ và 1 triệu khách vãng lai.

Để xây dựng khu đô thị này theo quy hoạch, hơn 10.000 hộ dân quận 2, thuộc 5 phường: An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm và An Lợi Đông tương đương 50.000 người phải di dời. Trong đó, phường An Khánh và Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng.

(Theo VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24258
Số người truy cập:
9580499