Đưa hài cốt vua Hàm Nghi về VN

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh ở 109 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, xúc động: “Vì nghiệp lớn của dân tộc, cả cuộc đời vua Hàm Nghi phải sống tha phương cầu thực. Nay được về với quê hương, hẳn linh hồn ngài vui lắm. Là người trong hoàng tộc, tôi thấy việc làm này của Chính phủ rất có ý nghĩa, tôn vinh và tưởng nhớ công lao của ngài đối với đất nước”.

Ngày 25/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã gửi tờ trình đến Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc để trao đổi vấn đề tổ chức và chọn địa điểm an táng hài cốt vua Hàm Nghi. Theo đó, hài cốt vua Hàm Nghi có thể được an táng ở khu vực An Lăng, nơi có phần mộ của vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân; hoặc khu vực lăng Kiên Thái Vương, nơi có phần mộ của vua Kiến Phước, Đồng Khánh.

Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí cụ thể cần phải được sự đồng ý của lãnh đạo các ban ngành liên quan, trước hết là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cởi áo bào, cùng dân đánh giặc

Vua Hàm Nghi. Ảnh tư liệu.

Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, sinh ngày 3/8/1871. Năm 13 tuổi, ông được chọn làm vị vua thứ bảy của triều Nguyễn. Được sự hỗ trợ của hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, vị vua trẻ tuổi này đã quyết tâm chống thực dân Pháp và phát động phong trào Cần Vương.

Đêm 5 rạng ngày 6/7/1885, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân triều đình Nguyễn thất bại. Vua Hàm Nghi rời bỏ Huế lui về Quảng Trị, sau đó ra Tân Sở, lên Tuyên Hóa (Quảng Bình) tổ chức kháng chiến và đã ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và nhân dân nổi dậy chống Pháp. Lúc đó, ông mới tròn 14 tuổi.

Tên ông đã trở thành ngọn cờ đấu tranh cho nền độc lập quốc gia thời kỳ đó. Khắp nước, nhiều sĩ phu đã nổi lên tổ chức kháng Pháp theo lời kêu gọi Cần Vương của vua Hàm Nghi. Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, ba bà thái hậu và vua Đồng Khánh liên tục gửi thư kêu gọi nhà vua trở về, nhưng ông dứt khoát từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Bert cũng định lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nhưng nhà vua khẳng khái trả lời ông thà chết trong rừng còn hơn trở về làm vua trong vòng cương tỏa của người Pháp.

Cuộc đời lưu đày

Đêm 26/8/1888, do sự phản bội của một số cận thần, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt. Sau đó, nhà vua bị đưa đi lưu đày ở Algerie, vĩnh viễn rời xa tổ quốc.

Năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi đính hôn với cô Marcelle Laloe (sinh 1884, mất năm 1941), con gái ông Laloe, Chánh tòa Thượng thẩm Alger. Đây là sự kiện lớn ở Alger thời ấy. Cựu hoàng Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe có 3 người con: công chúa Như Mai (sinh 1905); Như Lý (1908) và hoàng tử Minh Đức (1910).

Mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac, vùng Dordogne, miền Tây nước Pháp. Ảnh: Người Lao Động.

Ngày 4/1/1944, vua Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long ở thủ đô Alger. Thi hài của ông được chôn cất ở Sarlat, vùng Aquitaine, nước Pháp. Năm 1965, thi hài vua Hàm Nghi được đưa về an táng tại làng Thonac, thuộc vùng Dordogne, miền Tây nước Pháp, gần lâu đài của con gái ông, công chúa Như Mai.

Trong suốt thời gian lưu đày, nhà vua luôn hướng về cố quốc. Theo công chúa Như Mai (nay đã mất), khi Bảo Đại qua Alger thăm Hàm Nghi có mang cho ông một số tiền, nhưng vua Hàm Nghi không nhận và khuyên Bảo Đại nên đem tiền về lo cho dân nghèo. Trong những năm tháng buồn bã của cuộc đời mình, ông tìm niềm vui trong âm nhạc và hội họa, đồng thời luôn mặc quốc phục áo dài khăn đóng với búi tóc đặc trưng Việt Nam...

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6846
Số người truy cập:
9250253