Du khách vật lộn với du lịch ngày lễ

Chị Hoàng Lan một khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt kể, khó khăn lắm mới bắt được xe vì tất các tuyến xe lên Đà Lạt hầu như đều chật kín người.

Nhà nghỉ, khách sạn ở trung tâm không còn chỗ trống khiến chị Lan phải lặn lội ra vùng ngoại ô để kiếm phòng. Sau hồi ngã giá cuối cùng chị cũng thuê được một phòng ẩm thấp và chật chội (khoảng 10m2) với giá 600.000 đồng.

Những ngày nghỉ lễ năm nay giá phòng nghỉ ở Đà Lạt đều leo thang. Phòng nghỉ của chị Lan vốn là nhà ở của bộ đội, tận dụng ngày lễ họ được nghỉ nên khu nhà này trở thành điểm đón khách du lịch. Để có thể đến các khu du lịch ở trung tâm thành phố chị còn phải thuê xe máy dịch vụ với giá 100.000 đồng mỗi ngày.

"Đối với những du khách không đặt trước được phòng như tôi, khi lên đây chỉ có thể thuê phòng trọ của người dân ở những vùng ngoại thành với với giá gấp cả chục lần. Một phòng nghỉ ở khách sạn vào ngày thường chỉ có giá 100.000 - 120.000 đồng một đêm nhưng vào ngày lễ này lên đến 1 triệu - 1,5 triệu một đêm mà vẫn không còn chỗ. Hầu hết các dịch vụ đều theo đó lên giá chóng mặt", chị Lan thở dài.

Tại các khu du lịch năm nay lượng khách đều đông đúc. Ảnh: Hải Duyên.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch từ khắp các tỉnh thành đổ xô về các khu du lịch ở Đà Lạt, Vũng Tàu rất đông. Các tuyến xe và bến bãi lên địa điểm này đều chật kín người.

Chị Hạnh một công nhân tại quận 9 TP HCM kể, sau chuyến đi chơi tại khu du lịch Đại Nam, trời thì nhá nhem tối, tay ẵm đứa nhỏ, tay kia xách chiếc ba lô ì ạch khiến người như bổ nhào về phía trước. Đi được một lúc chị phát hiện chiếc túi đựng mấy trăm ngàn đã bị mất.

Từ sáng sớm cho đến chiều tối 1/5 các tuyến xe buýt, xe khách trên Quốc lộ 1A tại khu vực Bình Dương đến các điểm vui chơi giải trí tại TP HCM như Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm viên đều rất đông. Một số lượng lớn công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ ra Quốc lộ bắt xe đi chơi lễ đứng tràn hai bên đường. Chiều tối tại đoạn đường từ Đồng Nai, Bình Dương qua Suối Tiên về thành phố liên tục bị tắc nghẽn.

Dịp nghỉ Lễ kéo dài, nhiều du khách cũng chọn Cửa Lò (Nghệ An) làm nơi dừng chân khiến lượng khách đổ về đây tăng đột biến. Tất cả khách sạn, nhà nghỉ đều rơi vào tình trạng "cháy phòng". Lợi dụng cơ hội này, nhiều chủ nhà nghỉ đã điều chỉnh giá thuê theo từng ngày.

Dắt theo đứa con trai 4 tuổi từ khách sạn Hòn Ngư ra phía ngoài sảnh, chị Hương lắc đầu cho biết gia đình chị đã bị nhân viên lễ tân ở đây từ chối vì hết phòng. "Giá ở các phòng thấp cũng 600.000 - 800.000 đồng nhưng cũng không có mà thuê. Các phòng VIP có giá gần 2 triệu ở đây cũng đã chật cứng", chị Hương nói.

Cực chẳng đã, chị phải gọi taxi quay về thành phố Vinh (cách biển Cửa Lò gần 20 km) để thuê phòng. Không riêng gia đình chị Hương, nhiều gia đình khác từ Hà Nội đến biển Cửa Lò cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mỗi ngày họ phải đi taxi từ Vinh ra Cửa Lò mất gần 400.000 đồng.

Dịp nghỉ Lễ năm nay kéo dài, nhiều du khách đổ về Cửa Lò khiến nơi đây rơi vào tình trạng
Dịp nghỉ Lễ năm nay kéo dài, nhiều du khách đổ về Cửa Lò khiến nơi đây rơi vào tình trạng "cháy phòng". Ảnh: Hoàng Anh.

Khảo sát của VnExpress.net, ngày thường giá phòng tại một số khách sạn dao động 200.000 - 1.100.000 đồng. Tuy nhiên, trong những ngày Lễ giá phòng "đội" lên gấp 2 - 3 lần (tùy từng loại phòng và khách).

Đến chiều ngày 3/5, hầu hết các phòng ở nhà nghỉ khách sạn đều đã trống. Giá thuê phòng lại trở lại mức bình thường.

"Thuê phòng giờ này là hợp lý vì giá phòng đã được giảm từ 800.000 xuống còn có 300.000 đồng. Ba ngày trước khách sạn có hơn 100 phòng đều kín chỗ, anh trả một triệu cũng không có", cô nhân viên khách sạn Hòn Ngư tươi cười nói với khách.

Kể về hành trình đi thuê phòng ở thị xã Cửa Lò, anh Phước một xe ôm hành nghề trước cổng Nhà nghỉ Nghệ An kể lại: "Cũng tội, nhiều gia đình từ Hà Nội xuống do không đặt chỗ trước nên đều không tìm được phòng. Tối 1/5, tôi chở một gia đình lòng vòng đi hơn chục nơi mới thuê được phòng nghỉ nằm cách mặt biển gần một cây sô với giá 650.000 đồng. Biết là bất tiện nhưng họ vẫn chấp nhận gật đầu đồng ý".

Dịch vụ ăn uống những ngày Lễ ở đây cũng được các chủ nhà hàng đua nhau "chặt chém". Cua và ghẹ và nhiều đồ hải sản khác ở các nhà hàng nhiều hôm rơi vào tình trạng trống bể.

"Mấy ngày nay biển động dữ dội quá, ngư dân họ sợ không ai dám ra khơi nên không có hàng dẫn đến tình trạng cua và ghẹ đắt.", anh Hùng - chủ nhà hàng Hùng Hà đưa ra lý do.

Ông chủ này cho biết, dọc bờ biển dài gần 3km có khoảng gần 200 nhà hàng phục vụ khách du lịch nhưng nhiều nơi vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Lượng khách đến nhà hàng anh tăng 30% so với năm ngoái khiến anh phải thuê đến gần 20 nhân viên.

3 ngày nghỉ ở Cửa Lò trở về Hà Nội, chị Thúy Hà ở quận Hai Bà Trưng phàn nàn: "không những vất vả đi tìm phòng, dịch vụ kém, ăn uống những ngày này cũng đắt gấp vài lần. Có lẽ sang năm, thay đi vào ngày nghỉ Lễ, chúng tôi sẽ đi vào dịp cuối tuần...".

Hải Duyên - Hoàng Anh

( Theo Vnexpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4408
Số người truy cập:
9554050