Dự án chồng dự án, ruộng bỏ hoang, dân mất nghề

 
Rất nhiều người dân ở xóm 8, xã Thạch Hưng tỏ ra bức xúc khi chứng kiến cảnh không ruộng để làm trong khi dự án lại bị bỏ hoang

Nhưng rồi 6 năm dự án không triển khai, ruộng hỏ hoang, dân mất kế sinh nhai.

Vào năm 2006, UBND xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), tiến hành thu hồi 22,45ha đất lúa ở khu vực cánh đồng Cồn Cọ để chuyển sang mô hình lúa cá. Hơn 3,6 tỉ đồng tiền của Nhà nước được giải ngân cho việc san lấp, đắp bờ thành những ao hồ rộng lớn.

Nhưng đến năm 2008, TP Hà Tĩnh có quyết định cho Công ty cổ phần sắt Thạch Khê quy hoạch khu làng công nhân mỏ, tái định cư và công trình phụ trợ ngay trên cánh đồng Cồn Cọ. Dự án lúa cá của xã Thạch Hưng đang dang dở thì lại được quyết toán, hoàn thành giai đoạn một. Tiền của Nhà nước đổ vào dự án cá lúa này thật "vô bổ" giống như đổ xuống sống, xuống biển…

Đến thời điểm này vì nguồn vốn, quy hoạch dự án khu làng công nhân mỏ, tái định cư và công trình phụ trợ của Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê trên cánh đồng Cồn Cọ vẫn chưa thể thực hiện được.

Ông Phan Văn Hội, Chủ tịch xã Thạch Hưng, cho biết trước thực trạng cánh đồng Cồn Cọ bỏ hoang hơn 6 năm trời, xã Thạch Hưng đã báo cáo lên thành phố, lên tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Nhưng thật oái oăm Công ty cổ phần mỏ Sắt Thạch Khê lại trả lời trong vài, ba năm tới chưa thể thực hiện được dự án tại cánh đồng Cồn Cọ, yêu cầu xã Thạch Hưng tiếp tục chỉ đạo, tổ chức để nhân dân sản xuất…

Từ khi có dự án cá lúa gia đình ông Nguyễn Chính Nhung, ở xóm 8, xã Thạch Hưng không có lấy một sào ruộng để làm. Cuộc sống gia đình ông phải trông chờ vào những ngày ông khỏe mạnh ra bờ sông thả lưới, mò cua, bắt ốc đem bán lấy tiền đong gạo ăn qua ngày.

"Trước khi làm dự án cá lúa ở cánh đồng Cồn Cọ, mỗi hộ dân chúng tôi chỉ có được vài, ba sào ruộng để gieo cấy lúa. Không ngờ dự án lại bỏ hoang hơn 6 năm nay trong khi người dân không có đất ruộng để làm", ông Nhung bức xúc.

Nhiều người không giấu nổi sự ngán ngẩm về những quyết định quy hoạch dự án nửa vời đã biến cánh đồng ruộng lúa thành cánh đồng hoang. Có người kể, cánh đồng Cồn Cọ ngoài trồng lúa một vụ còn đưa lại nguồn thủy sản rất lớn cho người dân. Những ngày mưa gió, người dân chỉ cần mang lưới, chài ra thả ở những kênh rạch là có tôm, cá đưa đến chợ bán, tăng thêm thu nhập. "Trước đây khi vào mùa vụ, cánh đồng Cồn Cọ trải dài một màu vàng của lúa. Nay cánh đồng lúa đó không còn nữa, thay vào là những ao hồ bỏ hoang vô cùng lãng phí…", một người dân nói.
 


Dự án treo, dân mất đất, mất nghề - Ảnh biếm họa

"Xem dân có ý kiến gì"

Ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho rằng, dự án lúa cá ở xã Thạch Hưng chỉ là mô hình kéo dài một giai đoạn. Bên cạnh đó dự án lúa cá này phù hợp với địa thế làm quy hoạch khu làng công nhân mỏ, tái định cư và công trình phụ trợ của mỏ sắt Thạch Khê nên thành phố mới cho quy hoạch trùng lên. "Nếu Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê làm dự án thì phải đền bù dự án cá lúa trước đây. Nhưng phía công ty giờ chưa rõ năm nào làm, chúng tôi đành xác định đó quy hoạch treo và chỉ đạo xã Thạch Hưng triển khai sản xuất…", ông Dũng nói.

Còn ông Phan Văn Hội, Chủ tịch xã Thạch Hưng cho biết, việc Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê trả lời lấp lửng "vài, ba năm tới chưa thể thực hiện được" dự án trên cánh đồng Cồn Cọ khiến cho địa phương lúng túng, không có phương án để chỉ đạo người dân sản xuất. Ông Hội khẳng định nếu không có dự án của Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê thì dự án cá lúa sẽ được hoàn thành, một số người dân sẽ có thu nhập cao…

"Khi cánh đồng Cồn Cọ đã được quy hoạch mà phía Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê không sử dụng thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn diện tích ao hồ của dự án lúa cá không thể hoàn trả lại được và cũng không có vốn triển khai tiếp giai đoạn hai. Thành ra chờ xem người dân có ý kiến gì hay nữa không…", ông Hội nói.

Theo Hoàng Dung
Infonet

Giày Đại Phát solution
Số người online:
54122
Số người truy cập:
7660447