Bà Nguyễn Lệ Chung, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2009, giá nước sạch sẽ theo cơ chế thị trường. Do đó, dự kiến trong tháng 3 sẽ có thông tư bổ sung Thông tư 104 về việc xác định giá tiêu thụ nước sạch theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ mọi chi phí. Nghĩa là giá nước theo cơ chế thị trường sẽ được ban hành.
Sáu địa phương đã tăng giá
Chiều qua (18/2), ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch đang rất mong đợi hướng dẫn cách tính giá nước sạch sắp tới.
Tuy nhiên, không đợi văn bản này ban hành đã có sáu địa phương đi trước. Cụ thể: Từ 1/1/2009, giá nước sạch tại sáu tỉnh gồm Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định đã được điều chỉnh. Đơn cử tại Quảng Trị, nước sinh hoạt có giá 4.100 đồng/m3; hành chính sự nghiệp: 7.800 đồng/m3; sản xuất: 8.800 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ: 9.800 đồng/m3. Hay Bình Dương, giá 1 m3 nước sạch các mức tương ứng là 4.000 đồng, 6.500 đồng, 6.000 đồng và 8.000 đồng...
Theo giải thích của ông Tôn, giá nước được tính đúng, tính đủ thì đương nhiên sẽ không thể đứng im trong mấy năm được. UBND tỉnh vẫn quyết định giá nước, nhưng nhà nước sẽ quy định giá sàn và giá trần cho nước sinh hoạt. Ví dụ, theo dự thảo thông tư sắp ban hành, giá nước ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... sẽ không thấp hơn giá sàn quy định là 3.000 đồng/m3 và không được vượt mức giá trần là 12.000 đồng/m3. Tinh thần chung là giá nước sẽ được điều chỉnh hàng năm vì thực tế, giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất nước sạch như điện, hóa chất, than lọc... theo cơ chế thị trường.
Tăng giá vì thiếu vốn
Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết mỗi tỉnh cần phải đầu tư 2-3 nhà máy nước với công suất 100 ngàn m3/ngày đêm. Riêng Hà Nội và TPHCM phải đầu tư mỗi nhà máy có công suất một triệu m3/ ngày đêm thì mới có thể đủ nước dùng. Đầu tư một nhà máy nước phải mất khoảng 60-70 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, ông Tôn cho rằng: “Mức tăng này không có gì là quá khả năng chi trả của người dân cả. Thực tế tại các nước đang phát triển, chi phí nước sinh hoạt chiếm khoảng 3% so với thu nhập thực tế, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ khoảng 1,4 %. Theo con số thống kê của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, mỗi tháng một người dùng khoảng bốn khối nước với mức giá 4.000 đồng/m3 thì chỉ phải bỏ ra 16.000 đồng mà thôi”.
Liệu giá nước tăng thì chất lượng nước cũng như dịch vụ cung cấp nước có tăng? Ông Tôn thừa nhận: Có những đơn vị cung cấp nước vẫn đang “hành” người dân, ví dụ muốn sử dụng nước sạch thì phải làm đơn, phải có hộ khẩu... “Đây là quan niệm không đúng khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường” - ông Tôn nói. Tăng giá thì cũng không thể khắc phục được chất lượng dịch vụ ngày một ngày hai nhưng “chắc chắn là tình hình sẽ cải thiện”.
Vậy khi giá các mặt hàng đầu vào của ngành nước giảm thì giá nước liệu có giảm theo? “Hiện nay chưa nghĩ đến việc giảm giá nước” - ông Tôn nói. Theo ông Tôn, khi tình hình tương đối ổn định và thị trường có sự tham gia cạnh tranh của khu vực tư nhân, của các thành phần kinh tế thì giá nước sạch mới có thể giảm.