- Ông có thể cho biết những khu vực nào ở Việt Nam có khả năng xảy ra động đất?
- Ở Việt Nam có một số vùng hay xảy ra động đất như Tây Bắc Bộ với đới đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, sông Lô, sông Mã; Đông Bắc Bộ có đứt gãy Cao Bằng - Tân Yên; miền Trung có đứt gãy sông Cả. Ở Nam Trung Bộ có đới đứt gãy theo kinh tuyến 110 sau đó tiếp xuống dưới là đới Thuận Hải - Minh Hải. Năm 2010 đã có khá nhiều trận động đất nhỏ xảy ra trên các đứt gãy này.
Theo ông Lê Huy Minh, nhiều khu vực trên lãnh thổ Việt Nam thường xuyên xảy ra động đất, nhiều nhất là ở phía Bắc. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Khả năng sóng thần xuất hiện trong biển Đông được nhìn nhận như thế nào?
- Sóng thần hoàn toàn có thể xuất hiện trong biển Đông. Trong 25 kịch bản sóng thần trên biển Đông có tác động tới Việt Nam, kịch bản nguy hiểm và có thể xảy ra là ở những trận động đất sinh ra từ đới hút chìm ở phía tây quần đảo Philippines.
Năm 2006 đã xảy ra động đất mạnh 8,2 độ richter ở khu vực này, nhưng không gây sóng thần do mảng địa tầng ở đây ít dịch chuyển theo phương thẳng đứng (tác nhân gây nên sóng thần sau các trận động đất dưới đáy biển). Nếu động đất với cường độ này mà có dịch chuyển mảng kiến tạo theo phương thẳng đứng chắc chắn sẽ gây nên sóng thần. Bởi về lý thuyết, động đất từ 6,5 độ richter trở lên là có khả năng gây ra thảm họa này.
Ở đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải (ngoài khơi Nam Trung Bộ) cũng có khả năng xuất hiện sóng thần do động đất nhưng xác suất thấp. Nếu xảy ra sóng thần thì cũng không lớn. Quan trắc từ trước tới nay cho thấy động đất mạnh nhất từng xảy ra ở khu vực này là 6,1 độ richter.
Khu vực biển Đông hoàn toàn có thể có sóng thần. Ảnh: Googlemaps. |
- Theo ông, chúng ta có thể học được gì từ thảm họa ở Nhật Bản?
- Thảm họa tự nhiên thì không ai có thể nói trước được. Nhật Bản tiên tiến như vậy, mạng lưới quan trắc hiện đại nhưng khi động đất sóng thần xảy ra thì thiệt hại cũng rất kinh khủng.
Tuy nhiên về phương diện dự báo, phòng tránh, tôi cho rằng trước hết chúng ta phải có hệ thống trạm cảnh báo sớm thảm họa tự nhiên, cảnh báo sóng thần. Phải xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tốt để khi xảy ra động đất thì biết ngay là ở đâu; xảy ra ở biển thì có khả năng gây nên sóng thần hay không. Từ đó có bản tin cảnh báo chính xác, kịp thời. Hiện, chúng ta đang tiến hành xây dựng các trạm quan trắc tự nhiên ở miền Trung, nơi thường xuyên có mưa bão.
Cái thứ hai là làm sao gửi các bản tin ấy tới người dân một cách sớm nhất. Muốn thế thì vai trò của truyền thông quan trọng. Thứ ba là hướng dẫn chi tiết về cách ứng phó khi có thảm họa tự nhiên.
Nguyễn Hưng thực hiện