Trả lời:
Về nguyên tắc, họ, tên chính thức của mỗi người cần phải được giữ ổn định, tránh sự thay đổi tùy tiện gây khó khăn cho giao lưu dân sự, cho công tác quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý hành chính nói chung.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự cũng dành cho cá nhân có quyền yêu cầu được thay đổi họ, tên nhưng không phải mọi trường hợp muốn thay đổi họ, tên đều được giải quyết.
Việc thay đổi họ, tên chỉ được giải quyết trong 7 trường hợp sau đây:
1) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
2) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.
3) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.
4) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại.
5) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.
6) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính.
7) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
UBND cấp xã, nơi đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho người dưới 14 tuổi; UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Theo quy định nói trên, việc chị trùng tên với bà nội chồng có thể gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, chị có thể yêu cầu UBND cấp huyện cho đổi tên. Khi đến làm thủ tục, chị phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính họ tên.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn
(Theo VnExpress)