Đổi mới dạy và học Sử như thế nào

 Môn Sử trở thành chủ đề gây tranh cãi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó Lịch sử trở thành môn học lựa chọn ở cấp THPT. Trước những ý kiến lo ngại đưa Sử ra khỏi danh sách các môn học bắt buộc sẽ gây "hệ lụy khó lường", các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng cần xem xét hiện này là đổi mới dạy và học Sử thế nào để thu hút học sinh.

Trải qua hai giai đoạn trước và sau khi đổi mới cách dạy và học Lịch sử ở trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), cô Trương Thu, Tổ trưởng tổ Lịch sử, thấy rõ tầm quan trọng của việc cải tổ cách dạy và thi Lịch sử.

Cô Thu cho biết trước đây, Lịch sử được dạy theo kiểu bám sát sách giáo khoa, học sinh phải ghi chép, học thuộc. Đây là nguyên nhân chính khiến các em chán ghét môn này. Từ 2017, nhà trường tập hợp giáo viên, tổ chức lại các hoạt động dạy học nhằm tăng tính hấp dẫn, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Với cách làm mới, các em không phải ngồi một chỗ ghi chép, học thuộc rồi trả bài như trước mà thường xuyên được đến bảo tàng, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, tham gia hoạt động trải nghiệm. Được tự trải nghiệm và cảm nhận, học sinh trở nên say mê và thấu hiểu, từ đó nảy sinh tình yêu thương, cảm phục, lòng tự hào và tự tôn dân tộc.

Cô Trương Thu trong tiết dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ cho học sinh lớp 12 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm- Cầu Giấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới. Học sinh có thể làm dự án, hoàn thiện các sản phẩm như phòng trưng bày hiện vật 3D, vẽ tranh, chụp ảnh, làm poster, viết luận, dựng video quảng bá về một con phố hay chân dung nhân vật lịch sử. Thay vì chỉ học thuộc sách, các em tìm hiểu qua Internet, sách báo, đến các di sản, trò chuyện với nhân chứng. "Cách này giúp các em học được nhiều hơn", cô Thu nhận định.

Kết quả, từ 2018 đến nay, tỷ lệ học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT bằng tổ hợp Khoa học xã hội, trong đó có môn Sử, luôn ở mức trên 70%. Trong khảo sát đầu tháng 5 với toàn học sinh khối 9 trước khi trường xây dựng tổ hợp môn lựa chọn cho chương trình mới, 80% chọn tổ hợp môn có Lịch sử.

Theo cô Thu, nhiều năm gần đây, một số trường đã cố gắng đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử. Song cách thức kiểm tra, đánh giá chưa thay đổi, đã trở thành rào cản khiến nhiều trường học, giáo viên ngại đổi mới.

Cô Thu lấy ví dụ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện vẫn kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, kiểm tra trí nhớ. Vì vậy, giáo viên không dám từ bỏ cách dạy nhồi nhét kiến thức. Ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù học sinh được đánh giá qua dự án, sản phẩm học tập, đến lớp 12, cả giáo viên và học sinh vẫn phải chạy đua ôn luyện kiến thức phục vụ kỳ thi này.

"Đổi mới cách dạy nhưng cách thi, tiêu chí đánh giá vẫn như cũ thì cả hệ thống vẫn sẽ giẫm chân tại chỗ. Vì vậy, đổi mới kiểm tra, đánh giá phải là khâu đột phá", cô nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) tán thành yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra; đồng thời bổ sung đề xuất tinh giản chương trình. Theo thầy Du, chương trình giáo dục phổ thông với môn Lịch sử vẫn còn nặng nề, rườm rà.

"Tôi có cảm giác sách giáo khoa đang đuổi theo kiến thức theo chương trình đề ra chứ chưa đủ sáng tạo khiến học sinh hào hứng", thầy Du nói.

Ở góc nhìn nhà nghiên cứu, PGS TS Tôn Nữ Quỳnh Trân (Hội Khoa học Lịch sử TP HCM) đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận Lịch sử trong nhà trường. Tinh thần của môn Sử trong sách giáo khoa, chương trình và bài giảng phải khách quan, trung thực, tránh giáo điều.

Theo đó, sách vở, bài giảng tránh sử dụng các từ hoặc đánh giá mang sắc thái miệt thị như "địch", "kẻ thù", "tàn bạo"; các từ sáo rỗng như "uống máu ăn thề"... Thay vào đó, các câu chuyện với diễn biến, dữ liệu hấp dẫn, khách quan sẽ thuyết phục học sinh hơn. Tài liệu, hình ảnh lịch sử cũng cần được chọn lọc để tránh tính bạo lực, gây hận thù.

Cũng theo PGS Trân, sự kiện lịch sử được đưa vào chương trình cần chọn lọc, tạo sự hưng phấn, thích thú với học trò. Người viết chương trình, thầy cô nên đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em cần học, nghe điều gì; chuyển hóa kiến thức đó ra sao.

Do đó, bài giảng không nên "công thức hóa" câu chuyện lịch sử với việc trình bày diễn biến, dữ kiện dày đặc mà cần cho học sinh hiểu về sự kiện và ý nghĩa của nó trong tiến trình lịch sử.

Cùng bàn về cách tiếp cận môn học trong nhà trường, thầy Nguyễn Viết Đăng Du bổ sung giáo viên phải thay đổi nhận thức về vai trò của mình. Thầy cô không thể giữ cách truyền đạt kiến thức Lịch sử áp đặt, một chiều như hàng chục năm trước đây mà phải cởi mở, dân chủ với học trò.

Bởi theo thầy Du, trong thời buổi công nghệ, học sinh dễ dàng tìm được nhiều thông tin, sử liệu hấp dẫn, thậm chí tạo cảm giác thuyết phục hơn sách giáo khoa. Khi đó, trách nhiệm của giáo viên là giúp em chọn được thông tin tốt, nhận thức đúng đắn. "Người thầy lúc này phải đủ bản lĩnh, kiến thức mới có thể làm mũi neo cho học sinh", thầy Du nói.

Mạnh Tùng - Dương Tâm


Giày Đại Phát solution
Số người online:
90550
Số người truy cập:
7348458