Sở dĩ từ cuối năm ngoái, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đưa ra dự báo có khả năng cung cấp đủ điện trong năm 2009 vì hai lý do chính: Tốc độ tăng trưởng phụ tải lần đầu tiên lùi về con số 13% do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và theo kế hoạch, hệ thống sẽ được bổ sung nhiều nguồn điện mới. Thậm chí trong mùa khô, hệ thống điện có thể có dự phòng 3,04 tỉ KWh.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Nhưng thực tế hiện nay, theo EVN, gần như không có nguồn điện mới nào đáng kể bổ sung trong khi đến cuối tháng 3, hệ thống điện hầu như không còn dự phòng. Sáu tháng mùa khô, miền Bắc sẽ phải nhận một sản lượng điện lớn, khoảng 4,42 tỉ KWh từ miền Nam chuyển ra qua đường dây 500 KV Bắc-Nam. Nguy cơ mất an toàn hệ thống rất cao, vì hiện nay, tình trạng vận hành lưới điện truyền tải đang căng thẳng do hệ thống chưa đáp ứng tiêu chuẩn hoặc quá tải.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết theo quy hoạch điện VI, năm 2009, dự kiến có 14 dự án điện mới đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 3.460 MW và khoảng 370 MW công suất của các dự án thủy điện nhỏ. Trong đó, khoảng 1/3 tổng công suất nguồn điện mới (1.200 MW) dự kiến vào vận hành ở các tháng mùa khô và trên 2.000 MW công suất nguồn vào vận hành ở các tháng của mùa lũ 2009. Theo kế hoạch, tháng 2 và tháng 3 sẽ bổ sung 560 MW nguồn điện của thủy điện Sông Ba Hạ, nhiệt điện Ô Môn và nhà máy đuôi hơi Nhơn
Trạch 1 nhưng trong thực tế, các nguồn này đều chưa vào vận hành và có thể bị đẩy lùi sang tháng 4 hoặc tháng 5. Việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu phụ tải các tháng cao điểm năm nay.
Đặc biệt, trong hai tuần đầu tháng 5, tình hình sẽ rất căng thẳng vì sẽ có 13 ngày ngừng hoàn toàn lượng khí cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau. EVN và Tập đoàn Dầu khí VN (Petro VN) đã chuẩn bị dầu DO để phát điện trong giai đoạn này nhưng việc chạy dầu ở các tổ máy tua bin khí Cà Mau còn kém tin cậy, phát sinh chi phí lớn. Bên cạnh đó, thiếu nước trong mùa khô sẽ khiến tổng sản lượng thủy điện huy động được thấp, chỉ đóng góp 22%-23% tổng nhu cầu của cả hệ thống.
Sau năm 2010 sẽ khá hơn?
Để hạn chế tình trạng cắt điện trong mùa khô năm nay, Cục Điều tiết điện lực đã đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp điều hành bảo đảm đúng tiến độ nguồn điện bổ sung cho mùa khô 2009. Cụ thể là tất cả các tổ máy nhà máy điện Cà Mau 1, 2 vận hành ổn định bằng nhiên liệu dầu, khí và có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các chế độ nhiên liệu dầu/khí, chuẩn bị phương án nhiên liệu dầu DO để sẵn sàng huy động ngay khi có lệnh của Trung tâm Điều độ quốc gia (A0). Đồng thời, A0 thực hiện báo cáo hằng tuần về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia để bộ kịp thời chỉ đạo khi có diễn biến bất thường ảnh hưởng tới việc bảo đảm cung cấp điện mùa khô 2009.
Trong cuộc họp báo về tăng giá điện mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định tăng giá điện là biện pháp để kêu gọi đầu tư nguồn mới, dần thoát khỏi cảnh “ăn đong”. Mục đích của tăng giá điện là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tiến đến năm 2020 VN có thể bảo đảm đủ điện và có dự phòng công suất 20%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN, trước mắt, việc tăng giá điện chưa thể có tác dụng làm giảm khả năng cắt điện trong mùa khô năm nay. Dự kiến từ năm 2010, tình hình có thể được cải thiện nếu bảo đảm tốc độ đầu tư các dự án điện và triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện. Hiện nay, công nghiệp tăng trưởng 17% nhưng tăng trưởng điện phục vụ cho công nghiệp hơn 19% là quá lãng phí.
Cần giảm vai trò độc quyền của EVN Để cải tổ ngành điện, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện, trong đó nghiêng về phương án tách ngay khâu điều độ, truyền tải và phát điện độc lập với EVN. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng nên tách ngay khâu mua bán điện và điều độ hệ thống điện ra khỏi EVN. Trong đó đặc biệt là khâu mua bán điện để chấm dứt tình trạng tranh cãi về giá mua điện giữa EVN và các nhà đầu tư. Gỡ được nút thắt này là tạo điều kiện cho tiến độ đầu tư, khai thác các dự án được đẩy nhanh hơn vì gần đây, có những dự án 3 năm không đàm phán được giá điện. Tuy nhiên, EVN lại không đồng tình với các biện pháp này. |
|
( Theo NLD)