Đổi giờ học giờ làm: Có phương án hợp lý

Ông Thăng thừa nhận thực hiện thời gian làm việc, học hành lệch giờ sẽ “vướng” cho nhiều người. Vì vậy, cần tính đến người dân Hà Nội làm ở cơ quan địa phương nhiều hơn hay cơ quan trung ương nhiều hơn để tính phương án gắn giờ người đi làm với giờ đi học của học sinh tiểu học, tạo điều kiện người đưa con đi học có thể đi làm. “Với trường đại học thì không thể áp dụng vào học cùng một giờ được. Phải thống kê cụ thể có bao nhiêu trường trên một tuyến phố để tính toán giờ phù hợp. Nói chung là phải có một quá trình điều chỉnh dần, chứ cùng lúc ra ngay quy định thì chưa được” - ông Thăng nói.

Cho rằng có những quan ngại, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh nếu mọi người không vào cuộc thì không thay đổi được tình hình giao thông. “Bây giờ không làm gì, sẽ đến lúc không thể đi nổi. Bước đầu chúng ta kêu gọi mọi người hưởng ứng, nếu thành thói quen, nhu cầu, nhiều người thực hiện, ùn tắc sẽ giảm”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Sở GTVT Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT có thẩm quyền đề xuất lên Chính phủ việc bố trí giờ học, giờ làm lệch ca, còn Sở GTVT chỉ nêu vấn đề để các cấp lãnh đạo tham khảo. Tại cuộc làm việc với Bộ GTVT ngày 17-10, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh thời gian hoạt động dịch vụ thương mại, ngân hàng, bưu điện... từ đường vành đai 2 trở vào trung tâm Hà Nội mở cửa sau 9g sáng. “Việc bố trí lệch giờ về mặt giao thông có thể giãn được mật độ. Còn tác động xã hội cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo chứ không để đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt quá nhiều” - ông Hùng nói.

Cũng trong cuộc làm việc với Bộ GTVT hôm 17-10, ông Nguyễn Văn Khôi - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết Bộ GTVT và Hà Nội, TP.HCM trước đây bàn rất nhiều việc bố trí lệch giờ làm việc, giờ học nhưng chưa làm được. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan lên kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm.

Đến thời điểm này, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đang thực hiện khảo sát trên 50 trường đại học, trung học ở Hà Nội (trong đó 21 trường trong khu vực trung tâm) để lên phương án bố trí giờ học phù hợp. Trước đó, báo cáo lên lãnh đạo bộ, Vụ Vận tải đã đề xuất phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh thương mại trên địa bàn Hà Nội để lãnh đạo Bộ GTVT xem xét, tham khảo. Theo đó, giờ học từ 6g30-7g30, giờ làm việc của các cơ quan trung ương từ 8g, giờ làm việc của các cơ quan địa phương từ 8g30, giờ mở cửa của các trung tâm kinh doanh, thương mại từ 9g30-10g.

 

Ông Nguyễn Hiệp Thống (chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội):

Phải khảo sát

Để cho thấy tính khả thi của đề xuất lệch giờ học, giờ làm, phải có những bước khảo sát, tính toán rất kỹ để thuận lợi cho học sinh, cho việc thực hiện dạy học và cho cả phụ huynh học sinh. Ví dụ, ở Hà Nội có trên 300.000 học sinh mầm non và trên 500.000 học sinh tiểu học đến trường chủ yếu do cha mẹ, người thân đưa đón. Phải khảo sát để biết những đối tượng học sinh này có khoảng bao nhiêu phần trăm tự đi bộ đến trường, có bao nhiêu phần trăm đến trường bằng ôtô, xe đạp, xe máy, xe buýt, có khoảng bao nhiêu học sinh học trái tuyến, những địa bàn nào tập trung nhiều học sinh giờ cao điểm...

Ngoài ra phải có một điều tra, nghiên cứu khác về việc điều chỉnh giờ học thế nào để đảm bảo thời gian học, thời gian ăn, nghỉ của học sinh hợp lý. Nếu điều chỉnh thời gian học quá muộn so với hiện nay, có thể giờ nghỉ của học sinh bị co lại. Vào mùa đông trời nhanh tối, nếu chỉnh thời gian học, tiết học cuối cùng có thể kết thúc rất muộn.

Về phía phụ huynh học sinh cũng phải tính đến việc thuận lợi trong đưa đón con. Nếu cha mẹ phải làm việc sớm trong khi con vào học muộn, chắc chắn phụ huynh vẫn phải lựa chọn việc đưa con đến trường sớm hơn quy định để đảm bảo giờ làm. Ngược lại, nếu con học sớm mà cha mẹ vào làm muộn, sẽ có nhiều người vẫn phải đi ra đường và vật vờ sau khi cho con vào trường để chờ đến giờ làm. Như vậy, việc điều chỉnh giờ và phân giờ khác nhau để tránh ùn tắc giao thông sẽ không có tính khả thi.

Theo tôi, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để tránh ùn tắc giao thông chỉ là một trong nhiều giải pháp nên tính đến. Trên thực tế vào các dịp học sinh được nghỉ học, nhiều đường phố Hà Nội, nhất là các điểm nóng về giao thông, vẫn xảy ra ùn tắc.

VĨNH HÀ ghi

Xây hai cầu vượt nhẹ để giảm kẹt xe

Tại cuộc họp về phương án xây dựng cầu vượt nhẹ dành cho xe máy và ôtô con ngày 20-10, Sở GTVT Hà Nội và nhóm nghiên cứu của ĐH GTVT đã thống nhất sẽ xây dựng hai cầu vượt nhẹ tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc và Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng nhằm giảm ùn tắc tại các nút giao thông có mật độ lớn, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

PGS.TS Phạm Huy Khang (ĐH GTVT - trưởng nhóm nghiên cứu) cho hay nhóm đã thống nhất xây hai cầu vượt trên với kết cấu thép, có thể tháo lắp khi không sử dụng. Dự kiến cầu dài 250m, rộng 12m (4 làn xe), cao 4,75m. Tại nút giao Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, cầu sẽ được xây theo hướng đường Láng Hạ về Giảng Võ. Tại nút giao Thái Hà - Chùa Bộc, cầu xây theo hướng đường Tây Sơn. Dự kiến sơ bộ mỗi cầu cần 150 tỉ đồng và hoàn thành trong thời gian bốn tháng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Sở GTVT Hà Nội - đề nghị nhóm nghiên cứu của ĐH GTVT tính toán lại thiết kế cầu theo góp ý của các thành viên tham gia cuộc họp với các thông số cầu rộng 9m, cao 4,5m, độ dốc dưới 6%, kiến trúc đẹp, thi công đơn giản. Ông Hùng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn chỉnh thiết kế trong tháng 10 để Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội xin cơ chế thi công ngay.

Đồng ý về phương án xây cầu vượt nhẹ tại hai điểm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng yêu cầu khi xây dựng cầu vượt phải tính phương án tổ chức giao thông nhằm tránh tình trạng thông chỗ này lại tắc chỗ kia.

TUẤN PHÙNG


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8949
Số người truy cập:
7727970