Đổ xô đi tìm
Cây cốt toái bổ được người dân địa phương thường gọi là y-bet, hay còn gọi lan đuôi chồn, là một loại thảo dược phát triển ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quanh năm giá lạnh.
Sau một ngày vào rừng săn lùng cốt toái bổ, người ít cũng được vài trăm ngàn, có người kiếm mỗi ngày 500 ngàn đồng. Thu được tiền khá lớn và loại cây này cũng dễ tìm kiếm, nên người dân địa phương đổ xô đi lùng.
Người dân đổ xô đi săn tìm cây cốt toái bổ rồi đem đến bán cho "đầu nậu"
Ông A Lời - một người dân ở xã Măng Cành (huyện Kon Plông) - cho hay: "Đi tìm cây cốt toái bổ, không chỉ tụi thanh niên đâu, mà ông bà già và trẻ con đều đi hết. Ai cũng tranh thủ đi tìm để về bán rồi mua ít bột ngọt, mắm muối đó thôi".
Tầm 15-16 giờ, từng đoàn người từ các cánh rừng đổ về địa điểm thu mua, sau một ngày săn lùng. Thương lái là người đàn ông gần 60 tuổi, gặp chúng tôi ông khoát tay: "Cứ gọi mình là A Thanh cho mau mắn, mình dân Sài Gòn thứ thiệt nè, cũng mới lên đây (xã Măng Cành) thôi”.
Nhìn chúng tôi thật kỹ, ông phán: "Giáo viên chứ gì". Sau khi chúng tôi giải thích về cuộc vượt rừng sâu đến đây, ông quả quyết: "Mình đang có 8 tấn cốt toái bổ đang cất trong kho kia kìa. Có người đặt mua hết rồi, nhưng chú mua được giá bao nhiêu? Được giá, anh để cho chú. Mà anh vừa xuất kho giá 7.200 đồng/kg. Được thì chú lấy".
Một "đầu nậu" đang thu mua loại cây này cho hay, mấy bữa trước có một người từ huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đưa mẫu loại cây này đến cho xem và đặt hàng, sẵn sàng mua hết bất kể số lượng là bao nhiêu. Ban đầu giá chỉ 6.000 đồng/kg, nay giá đang tăng từng ngày. Hôm qua chị vừa bán hơn nửa tấn, chỉ vài ngày nay đã thu mua được số lượng chừng một tấn.
Ông Thanh cho biết thêm, ông vừa bán được một xe hàng 15 tấn, còn bây giờ thì để gom thêm ít bữa nữa bán luôn thể. Mỗi ngày bình quân ông Thanh thu được trên 1 tấn cây cốt toái bổ.
Theo các thương lái, mỗi ngày họ xuất ra khỏi địa phương số lượng lên tới cả tấn và toàn bộ số cốt toái bổ này đều được bán qua Trung Quốc.
Vị thuốc quý
Nghe chúng tôi tìm hiểu về tác dụng loại cây này, ông Thanh cho rằng cốt toái bổ có thể chữa được 36 thứ bệnh khác nhau. Để chứng minh cho lời nói của mình là đúng sự thật, ông ôm ra một hũ rượu, bên trong đựng đầy cây cốt toái bổ và không quên mời chúng tôi uống.
Người dân địa phương vẫn thường ngâm cốt toái bổ vào rượu để uống chữa bệnh
Bác sĩ Đoàn Thị Tuần - Trưởng phòng Đông y Bệnh viện đa khoa Kon Tum cho biết: Cốt toái bổ có tên khoa học là Polypodium fortunei O.Kuntze, họ dương xỉ (Polypodiaceae), cây mọc bám chắc vào các cây cổ thụ hoặc ở hốc đá sống dạng ký gửi. Loại cây này có các mắt giống như củ gừng, da màu vàng nâu, thịt hồng hồng.
Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Kon Tum vẫn sử dụng loại thảo dược này để chữa bệnh vì có tác dụng chữa hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ thận và chữa bong gân, gãy xương, chân tay mỏi, tê liệt và trị các chứng thận thấp, đau háng, đau xương.
Để sử dụng thì cần rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô rồi sử dụng, hoặc tẩm mật, tẩm rượu, sao qua thì sử dụng rất tốt. Nếu dùng tươi khi hái về bỏ hết lông tơ và các lá khô, rửa sạch giã nhỏ, bỏ một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau hay thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng…
Khi nghe chúng tôi trình bày về giá cả, bác sĩ Tuần nói: “Tại Kon Tum chưa hình thành các cơ sở thu mua, nên cây dược liệu quý mà được bán với giá "bèo" như hiện nay thì rất lãng phí".
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum Nguyễn Hữu Nho thì cho biết, ông chưa nghe các đơn vị báo cáo về việc người dân đi thu hái loại cây này nhưng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, nếu là dược liệu quý thì sẽ có biện pháp quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm người dân ồ ạt đi săn tìm loại cây này trong thời gian tới.