Đỏ mắt tìm người mang thai hộ

 

Từ ngày 15/3, nghị định số 10 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực. Việc pháp luật cho phép mang thai hộ đã mở ra cơ hội được làm cha mẹ thực sự cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, không ít người trong cuộc cho biết, con đường tìm người mang thai hộ theo đúng quy định pháp luật - phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, với họ đầy chông gai.

 

Trường hợp chị vợ chồng chị Huê (Từ Sơn, Bắc Ninh) là một điển hình. Người phụ nữ 36 tuổi cho biết, sau 3 năm lấy nhau chưa có con, vợ chồng chị đã đi thụ tinh trong ống nghiệm. Cả hai lần chuyển phôi thành công thì chị đều chửa ngoài dạ con và phải cắt bỏ một phần tử cung. Bác sĩ nói chị không nên mang thai nữa vì sẽ rất khó khăn và nguy hiểm do phần tử cung còn lại rất hẹp. Vợ chồng chị chuyển hướng sang tìm người mang thai hộ.

"Từ những ngày luật chưa cho phép, chúng tôi đã phải mò mẫm rao tìm người giúp mình mang thai. Có vài người tìm tới nhưng chúng tôi không chọn được ai, người thì vì đòi hỏi quá cao, người khác lại không cho mình cảm giác yên tâm", chị Huê kể.

Năm ngoái khi quy định cho phép mang thai hộ chỉ mới là dự thảo, chị Huê chia sẻ ước mong với chị gái và hy vọng có con lại bùng lên khi người chị đồng ý sẽ mang thai giúp vợ chồng Huê. Có đôi phần e ngại vì người chị đã 38 tuổi, chị Huê vẫn hy vọng mọi việc được thuận lợi. Thế nhưng, ngay khi biết dự định này, chồng và gia đình chồng người chị gái nhất định không chấp nhận.

"Chưa ai hiểu rõ mang thai hộ là thế nào. Có người bảo, thế đứa trẻ sinh ra là con tôi hay con chị gái tôi, rồi phải giải thích ra sao với mọi người khi con do chị gái đẻ ra lại giống chồng tôi... Tôi cảm thấy quá mệt mỏi", chị Huê tâm sự.

Chịu nhiều áp lực từ phía gia đình chồng, chị Huê đã nhiều lần muốn ly hôn để chồng đi lấy vợ khác và sinh con nhưng anh không đồng ý. Anh vẫn động viên chị cố gắng nhưng bản thân chị cảm thấy hầu như không còn cơ hội nào để được làm mẹ. Chị cho biết, hai vợ chồng vẫn tiếp tục đăng tin nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên với thắc mắc: "Sẽ làm thế nào nếu tìm được người đồng ý nhưng lại không chứng minh được là thân thích cùng hàng để đảm bảo về mặt pháp lý", chị Huê thở dài: "Chúng tôi cũng chưa biết nhưng cứ được bước nào xoay bước ấy đã".

Mang thai hộ bằng hình thức thụ tinh trong ống nghiệm mở ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: Lê Phương.
Mang thai hộ bằng hình thức thụ tinh trong ống nghiệm mở ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: Lê Phương.
Cũng từng tràn trề hy vọng sẽ thực hiện được khát khao có con khi luật cho phép mang thai hộ, đến nay chị Trúc (Thái Nguyên) lại cảm thấy tuyệt vọng vì không thể tìm được ai giúp mình mang nặng đẻ đau.

Chị Trúc bị tử cung nhi hóa, đã chạy chữa nhiều năm, nhiều nơi và từng có lần đậu thai nhưng lại hỏng. Vợ chồng chị hai lần thất bại khi thụ tinh trong ống nghiệm và hiện vẫn trữ phôi, chỉ cần tìm được người đồng ý mang thai hộ là chuyển phôi. Năm ngoái, khi biết tin pháp luật sẽ cho phép người thân mang thai hộ, chị Trúc nghĩ ngay đến cô em gái. Hai chị em rất thương và hiểu nhau nên cô em không hề ngần ngại chuyện mang bầu giúp chị. Cái vướng là cô em gái này từng mổ đẻ khi sinh con gái đầu lòng và gia đình chồng đang mong chờ cô sinh bé trai thứ hai trong năm nay.

"Em ấy đã sinh mổ một lần, lần sau sẽ phải mổ. Nếu sinh lần thứ hai là bé gái, cô ấy có khi lại phải sinh tiếp mong có một con trai. Khi đó, chắc chắn cơ hội em ấy mang thai hộ mình không còn. Bây giờ chồng mình đã hơn 40 tuổi rồi, không thể chờ đợi lâu được", chị Trúc bày tỏ.

Chị cho biết, từ lúc nghĩ tới việc nhờ người mang thai hộ, vợ chồng chị luôn muốn tìm người xa lạ để không vướng mắc các quan hệ phức tạp sau này, nhưng việc này không hề dễ. "Trên mạng cũng có rất nhiều người nhận mang thai hộ nhưng nhiều khả năng khó tin tưởng được. Chi phí người ta đòi để mang thai giúp mình cũng quá cao, đến 150-200 triệu đồng trong khi có rất nhiều rủi ro. Không biết liệu cuối con đường có ánh sáng nào dành cho chúng mình không", chị Trúc tâm sự.

Theo chuyên gia hỗ trợ sinh sản tại một bệnh viện sản lớn tại Hà Nội, cơ hội có con nhờ mang thai hộ thực sự rất ít ỏi bởi các cặp vợ chồng phải viện tới cách này gặp quá nhiều khó khăn. Thử thách thứ nhất họ phải vượt qua là tìm được người đồng ý mang thai giúp. Thực tế, mang thai và sinh nở luôn là công việc nặng nề, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới cả sức khỏe và tính mạng người mẹ nên không mấy ai muốn "làm giúp". Hơn nữa, theo quy định pháp luật hiện nay, đối tượng được phép mang thai hộ bó buộc trong phạm vi là người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng thì càng khó kiếm.

Ngoài ra, khi đã kiếm được người mang thai hộ rồi thì còn phải có chế độ chăm sóc cho họ. Chi phí này, với thu nhập trung bình, ít người có thể trang trải được. Tiếp đó, những cặp vợ chồng này vấp phải một chướng ngại vật nữa là về mặt pháp lý. Rất nhiều giấy tờ, chứng nhận phải lo để có thể đến được bước cuối cùng là chuyển phôi của bố mẹ vào tử cung người đồng ý mang thai hộ. Như vậy, tìm được người hội đủ các yếu tố: Còn trong độ tuổi sinh đẻ, đủ sức khỏe, đã có con, là người thân cùng hàng, được sự đồng ý của chồng (nếu có) để nhờ mang thai hộ; là vô cùng khó.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết, quy định mang thai hộ có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Với nhân viên y tế, trong trường hợp phải cắt tử cung để điều trị bệnh, giữ lại mạng sống cho người phụ nữ chưa từng có con cũng sẽ đỡ phải áp lực nặng nè như trước.

Theo ông Tường, nhiều gia đình đứng trên bờ vực ly tán vì người phụ nữ không có tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hoặc bị cắt tử cung không sinh được con, sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Những người này đã có thể hy vọng tìm đến giải pháp nhờ người mang thai hộ để có được con. Đứa con là sự kết hợp trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang dòng máu của vợ chồng.

“Nhiều người phụ nữ mắc các bệnh hiểm nghèo dù được tiên lượng việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi nhưng vẫn mạo hiểm đánh cược sinh mạng để sinh con cho bằng được. Những trường hợp này nếu tìm được người mang thai hộ thì sẽ là giải pháp quan trọng”, bác sĩ Tường phân tích.

Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Nghị định giải thích người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Theo bác sĩ Tường, quy định này có thể khiến cho việc tìm người mang thai hộ bị giới hạn đi rất nhiều. Ở nước ngoài nhiều trường hợp người mẹ còn trẻ, khỏe thường mang thai hộ con gái. Người mang thai hộ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, pháp lý.... Thông thường mẹ là người có thể hy sinh nhiều nhất cho con gái nên mang thai hộ khá nhiều.

Ở nước ta do những rắc rối về ngôi thứ xưng hô nên theo quy định, những người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng. Nếu người mẹ mang thai hộ con gái hoặc người hàng trên mang thai hộ hàng dưới thì có thể dẫn đến những khó khăn trong vấn đề xưng hô.

Minh Thùy - Lê Phương

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
38464
Số người truy cập:
9156624