Hiện nay vẫn tồn tại một số quan niệm sai về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư. Có người cho rằng bị bệnh ung thư thì nên nhịn ăn hay chỉ nên ăn gạo lứt muối mè để cơ thể gầy ốm đi, để không nuôi dưỡng khối u nhằm làm khối u teo dần hay người bệnh ung thư nên ăn uống như người bình thường hoặc chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị ung thư, sau giai đoạn điều trị thì không cần nữa. Những quan niệm này gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng người bệnh, thậm chí có thể gây tử vong.
Chán ăn là hiện tượng thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, bản thân khối u là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm, hao mòn cơ thể. Các tác nhân khác trong quá trình điều trị bệnh như phẫu thuật, thuốc và xạ trị cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng dinh dưỡng người bệnh như kém tiêu hóa, hấp thu; nôn ói, tiêu chảy... Kết quả là người bệnh bị sụt cân hay suy dinh dưỡng nặng. Suy dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, làm chậm lành vết mổ, suy giảm thể lực và giảm chức năng tâm thần, làm giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng không thể đáp ứng tốt điều trị, bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ do điều trị, do vậy khả năng sống thấp hơn bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng tốt. Theo thống kê, có đến 20% bệnh nhân ung thư chết là do tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng, trước khi chết do bệnh ung thư gây ra.
Dinh dưỡng đúng
Tế bào ung thư lấy dinh dưỡng, năng lượng của cơ thể để phát triển và xâm lấn vào các cơ quan xung quanh. Đồng thời, chúng phóng thích các yếu tố tăng viêm (như các cytokine) dẫn đến việc ức chế cảm giác ngon miệng và tiêu hao năng lượng lúc nghỉ, đồng thời phóng thích ra các yếu tố gây ly giải protein, làm giảm khối nạc cơ thể, gây sụt cân.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần cung cấp đủ chất EPA (2g/ngày), protein (1,3 - 1,5g/kg cân nặng/ngày) và đáp ứng được nhu cầu năng lượng cao 30 - 40 Kcal/kg cân nặng so với người bình thường từ 20 - 30 Kcal/kg với mục đích, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sức khỏe, tăng khả năng đề kháng của cơ thể, phục hồi lại tình trạng hao mòn cơ. Đặc biệt EPA có tác dụng kháng viêm, làm giảm bớt tình trạng phân hủy protein của cơ thể. Nguồn cung cấp EPA chủ yếu là từ dầu của các loại cá ở vùng biển sâu như cá ngừ, cá hồi. Tăng cường hàm lượng đạm (protein) nhằm thúc đẩy quá trình đồng hóa, tăng cường khối nạc cơ thể. Nên ăn nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa), tránh những thức ăn có nhiều chất béo như các món chiên, xào, những thức ăn sinh hơi như đậu, bắp cải, dưa hấu, mít hoặc những thức uống có gas. Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước trong ngày (ly loại 250ml).
Sau giai đoạn điều trị, người bệnh vẫn cần được tiếp tục bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch, ổn định cân nặng... Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng như trái cây, sinh tố. Khi cơ thể đã hồi phục cần tránh bị thừa cân để phòng bệnh tái phát. Trong đó, tập luyện cơ thể là quan trọng như đi bộ, đạp xe..., trung bình 45 phút/lần, 3 lần/tuần.
Nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc bệnh nhân ung thư, Hội Ung thư Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “ Dinh dưỡng đúng cho bệnh nhân ung thư”. Chương trình diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội vào ngày 29.8.2010.
Bạn đọc có thể đăng ký tham gia hội thảo qua số điện thoại: 19001519 hoặc gửi e-mail đăng ký về địa chỉ chamsocbenhnhanungthu@gmail.com |
TS-BS Lưu Ngân Tâm