Như tin đã đưa, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 1-11, tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khi có sáu lao động bị điện giật chết tại chỗ. Những nạn nhân này đều là lao động phổ thông được Công ty Phương Anh thuê mướn để dựng cột kéo đường điện hạ thế cho Công ty đường Nông Cống. Trong số sáu nạn nhân, có năm nạn nhân ở huyện miền núi Cẩm Thủy, một nạn nhân ở huyện miền núi Thạch Thành.
Các ông bố, bà mẹ thẫn thờ, hóa ngây dại khi nghe hung tin mất con trong khi các em nhỏ nghẹn ngào khóc anh trai.
Tang tóc bao trùm bản nghèo Liên Sơn, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa)
Đám tang của các chàng trai trẻ đi dưới mù sương bàng bạc nơi xóm núi nghèo.
Chiều 2-11, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Thành Luân (21 tuổi, trú tại bản Chiềng I, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy). Anh Luân là một trong hai người trong tổ thợ may mắn sống sót sau tai nạn điện giật chiều 1-11.
Mới hồi sức tại bệnh viện, trên khuôn mặt anh Luân vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Luân kể lại những gì chứng kiến được sau sự cố vào chiều 1-11 trong nước mắt: "Đầu giờ chiều 1-11, tôi và em Nguyễn Hữu Trường ở huyện Nông Cống cùng sáu người đã mất nhận việc đi đào hố, chôn cột điện để kéo điện lưới (đường dây 0,4KV) cho Tổng công ty cổ phần mía đường Nông Cống".
"Tôi làm nhiệm vụ rải đá vào các hố để đổ bê tông chôn cột điện, còn các em trong tổ thì di chuyển, tời, kéo, đưa cột điện vào vị trí các hố đã đào, rồi dựng lên. Khi tôi vừa rải đá ở cột số 2 xong thì nghe tiếng kêu thất thanh của em Trường ở vị trí cột số 3. Khi tôi chạy lại gần đến cột số 3 thì thấy có tiếng nổ lẹt đẹp, điện chập cháy dữ dội trên đường dây 35KV, nằm phía trên đường dây 0,4KV mà chúng tôi đang thi công".
"Lúc đó, tôi thấy tay Điệp, Trường, Quang, Thịnh, Tùng, Nghị ôm lấy cột điện, rồi trong chốc lát họ đổ ngửa về phía sau bất tỉnh. Tôi lại gần hơn thì thấy họ bị cháy xém chân, tay do điện giật. Lúc ấy em Trường đi lấy nước nên không bị điện giật. Tôi và Trường hô hoán người dân địa phương điện thoại cho Chi nhánh điện lực Nông Cống cúp điện, rồi ngất lịm đi lúc nào không biết".
Anh Nguyễn Thành Luân (bên phải ảnh) đang kể lại sự việc xảy ra chiều 1-11 làm chết sáu người dao điện giật
Anh Luân cho biết thêm: "Chúng tôi làm việc đều không có trang thiết bị bảo hộ lao động, không được hướng dẫn, tập huấn về thi công đường điện an toàn. Là lao động phổ thông, nên có việc làm là tốt rồi. Chúng tôi nhận thi công công trình đường điện này với giá 1,3 triệu đồng/cột điện, chia đều cho tám anh em".
"Theo tôi, nguyên nhân gây ra sự cố chập điện làm chết sáu người chiều 1-11 là thi công đường dây 0,4KV dưới đường dây 35KV với khoảng cách quá gần. Trong khi đó, hệ thống dây của đường dây 35KV lại võng xuống, đang có điện, nên khi anh em dựng cột, có thể một thiết bị nào đó bằng kim loại đã chạm vào đường dây 35KV..."
Trong ngày 2-11, ông Phạm Đăng Quyền - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cùng lãnh đạo huyện và xã đã đến thăm viếng, hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 6 triệu đồng. Riêng Công ty xây lắp điện và xây dựng Phương Anh ban đầu đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng để mai táng cho các nạn nhân.
Cả xóm trắng khăn tang
Đêm 2-11, cả xóm Liên Sơn, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bàng hoàng khi bốn quan tài chở bốn công nhân cùng tiến về xóm. Cả xóm trắng khăn tang. Họ là những người xấu số trong sáu công nhân bị điện giật chết chiều 1-11 tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống khi thi công dựng cột điện dưới hành lang đường điện cao thế.
Sáu người xấu số đều làm công cho Công ty Xây lắp điện và Xây dựng Phương Anh (TP Thanh Hóa). Họ chết rất trẻ, chưa ai kịp cưới vợ. Trong đó có ba người là anh em con chú bác ruột.
Không đủ người để an táng cùng lúc
Các công nhân làm việc theo thời vụ sau khi thu hoạch xong lúa mùa chạy lũ gồm Trương Văn Quang (20 tuổi), Trương Văn Điệp (17 tuổi), Trương Văn Trường (20 tuổi), Phạm Văn Nghị (19 tuổi), cùng trú xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy và Nguyễn Văn Thịnh (ở xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành) và Phạm Văn Tùng (ở xã Cẩm Thạch, huyện Thạch Thành).
Bà Lê Thị Hiền, trưởng xóm Liên Sơn, nói trong nước mắt: “Cả bốn gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trước đây các cháu phải nghỉ học giữa chừng, ra Hà Nội làm thuê phụ hồ, thợ xây. Mùa lụt vừa qua, các cháu về nhà thu hoạch lúa chạy lũ nhưng lúa bị mất mùa. Các cháu cùng nhau đi theo anh rể cháu Quang (công nhân đang bị thương) làm công nhân, ai ngờ các cháu đi làm khoảng 10 ngày thì trở về trong bốn chiếc quan tài như thế này. Cháu Quang, cháu Điệp đều là con trai một, cháu Trường có hai anh em trai thì người em thứ hai bị bệnh và thần kinh không bình thường. Một lúc bốn cháu ra đi, chúng tôi không đủ người để đưa thi thể bốn cháu ra nghĩa trang an táng một lúc mà phải chia ra. Hôm nay (3-11), chúng tôi cùng gia đình an táng cháu Quang và cháu Trường, ngày mai an táng cháu Điệp và cháu Nghị”.
Xóm Liên Sơn, xã Cẩm Liên trắng khăn tang bởi cái chết của bốn lao động, trong đó có ba anh em họ Trương (Ảnh: Thanh Niên)
Cũng như hoàn cảnh gia đình bốn công nhân trên, nạn nhân Nguyễn Văn Thịnh (ở xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành) và Phạm Văn Tùng (ở xã Cẩm Thạch, huyện Thạch Thành) cũng có hoàn cảnh khó khăn và đều ra đi khi chưa kịp cưới vợ.
UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND các huyện Nông Cống, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Công ty Xây lắp điện và Xây dựng Phương Anh, Công ty CP Mía đường Nông Cống… đã cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên các gia đình và hỗ trợ ban đầu để các gia đình làm lễ an táng sáu công nhân.
Sáng 2-11, Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường và bàn giao sáu thi thể cho gia đình đưa về quê an táng.
Tại hiện trường, cả sáu công nhân đều nằm chết trong tư thế co quắp. Đầu cột điện hạ thế bị chập điện cháy sém. Hầu hết họ mới đi làm công cho Công ty Xây lắp điện và Xây dựng Phương Anh chừng 10 ngày. Theo bà Phạm Thị Hoa, chiều 1-11, khi bà đeo găng tay cao su, đi giày để bóc lá mía gần đó thì nghe tiếng kêu: “Cháy, cứu với, cháy hết rồi”. Bà chạy đến thì thấy sáu công nhân đã bị điện giật dính vào ba cọc chống bằng sắt để tời dựng cột điện bê tông. Khi Chi nhánh điện Nông Cống cắt điện thì cả sáu công nhân đều đã chết. Các công nhân làm việc đều không có đồ bảo hộ lao động.
Có dấu hiệu vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Theo điều tra ban đầu, khi các công nhân tời dựng cột điện lên thì chốt sắt trên đỉnh ba cột chống tời đã chạm vào dây điện 35 kV hoặc bị điện phóng xuống khiến điện nhiễm vào cọc tời, sợi dây blăng xích xuống đất. Sáu công nhân đang kéo sợi dây blăng xích để cẩu cột điện dựng đứng thì bị điện nhiễm giật chết cả sáu người. Hai công nhân khác đang đi xách nước và đổ trộn bê tông để chôn cọc điện hạ thế bị điện giật, bị thương nhẹ.
Các công nhân thi công theo hợp đồng giữa Công ty Xây lắp điện và Xây dựng Phương Anh và Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống từ ngày 30-10. Cột điện hạ thế được thi công ngay phía dưới đường dây 35 kV (dây trần) và đỉnh cột điện chỉ cách đường dây khoảng 0,5 m. Trong khi theo đúng nguyên tắc an toàn là phải cách đường dây tới 3 m trở lên.
Ông Ngô Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Nông Cống, cho biết: “Chúng tôi đã thuê đơn vị thiết kế, đơn vị kiểm tra và thi công đoạn đường điện dài khoảng 500 m, chạy ngay dưới đường điện 35 kV do Chi nhánh điện Nông Cống quản lý. Trong quá trình thi công, chúng tôi có cử cán bộ giám sát cùng đơn vị thi công”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Nông Cống, cho rằng: “Đơn vị thi công và Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống đã không báo cho chi nhánh để cắt điện khi thi công. Đến khi sự việc xảy ra chúng tôi mới biết và ngắt điện để đảm bảo an toàn cho cơ quan chức năng tiến hành làm hiện trường. Chúng tôi không biết đường dây họ thi công đi như thế nào, có an toàn hay không và bao giờ thi công”.
Công an tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo cơ quan CSĐT tỉnh phối hợp với Công an huyện Nông Cống tiếp tục điều tra làm rõ vụ tai nạn thương tâm nói trên.