Điểm trung chuyển bùn hầm cầu bị “đuổi”

Hơn một tháng nay, giới xe hút bùn hầm cầu khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp... (TPHCM) bắt đầu quen với việc đổ bùn tại điểm trung chuyển trên đường Lê Đức Thọ (phường 14, quận Gò Vấp) do Doanh nghiệp (DN) tư nhân Dương Duy đầu tư. Tuy nhiên, hiện điểm trung chuyển này đang vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương.
 

Xe hút bùn hầm cầu đang xả bùn xuống bồn thép tại điểm trung chuyển của doanh nghiệp Dương Duy  tại quận Gò Vấp - TPHCM

 
Nhiều cái lợi
 
Điểm trung chuyển này rộng khoảng 1.000 m², bên trong chôn âm hai bồn thép có dung tích khoảng 60 m3 để chứa bùn từ xe nhỏ (khoảng 3 - 6 m3/xe) các nơi đổ về, sau đó sẽ bơm bùn qua các xe lớn để chuyển về Nhà máy Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình (Đa Phước, huyện Bình Chánh).
 
Ông Dương Duy Linh, chủ DN Dương Duy, cho biết sau khi các địa phương đồng loạt truy bắt và xử mạnh tay các xe bùn hầm cầu đổ bậy, nhiều chủ xe rất ngán ngại nên mong muốn có một điểm trung chuyển gần hơn thay vì chạy về Nhà máy Hòa Bình, rất tốn kém: Trung bình mỗi xe từ trạm trung chuyển về Nhà máy Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình tốn khoảng 150.000 đồng tiền nhiên liệu, 80.000 đồng chi phí xử lý nộp cho nhà máy và nhiều loại phí khác.
 
Chờ UBND TP quyết định
 

Theo ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên-Môi trường, về cảm quan, điểm trung chuyển hoạt động khá tốt và bảo đảm vệ sinh, mùi hôi trong khu vực do điểm trung chuyển phát tán không nhiều mà chủ yếu là mùi hôi từ con kênh trước mặt (kênh Bến Thượng) bị ô nhiễm và cơ sở sản xuất nằm bên cạnh. Tuy nhiên, kiến nghị của người dân về việc đóng cửa hoặc di dời điểm trung chuyển còn phải xem xét lại. Sở đang làm tờ trình vụ việc lên UBND TP, có di dời hay không và di dời đến điểm nào sẽ do UBND quyết định.

Quan trọng nhất là tốn thời gian, nếu có điểm đổ ở gần họ có thể hút được 5-6 chuyến/ngày nhưng về Nhà máy Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình chỉ hút được 2-3 chuyến/ngày.
 
“Đây cũng là nguyên nhân khiến các tài xế lén lút đổ bậy bùn hầm cầu ra môi trường. Vì vậy khi tôi lập điểm trung chuyển, rất nhiều chủ xe đã ủng hộ, bằng chứng là mỗi ngày có khoảng 30-40 xe về, cũng chính họ đề xuất với tôi giá thu mỗi xe là 250.000 đồng”- ông Linh nói. 
 
Đến thời điểm này, điểm trung chuyển bùn hầm cầu của DN Dương Duy là duy nhất trên địa bàn TPHCM, đây cũng là DN đi đầu trong việc hưởng ứng chủ trương xã hội hóa xử lý bùn hầm cầu của TP.
 
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Xử lý chất thải Hòa Bình (chủ đầu tư Nhà máy Xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình), trước kia lượng xe về nhà máy chỉ khoảng 20 chuyến /ngày, tương đương 60 - 90 m³ bùn/ngày (toàn TP hiện mỗi ngày phát sinh khoảng 300 m³bùn hầm cầu), từ khi có điểm trung chuyển ở Gò Vấp, mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 3 xe trung chuyển với số chuyến đã tăng lên khoảng 40 chuyến/ngày.
 
Dân phản ứng
 
Tuy được sự ủng hộ từ phía các chủ xe hút bùn hầm cầu nhưng điểm trung chuyển của DN Dương Duy lại vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương.
 
Ông Đặng Văn Kính, ngụ tổ 33A, khu phố 5, phường 14, quận Gò Vấp, tỏ ra bức xúc do mùi hôi phát tán từ điểm trung chuyển: “Cứ vào buổi trưa và tối, bùn hầm cầu bay vào nhà khiến người dân không ngủ nghỉ gì được. Nhiều lần giữa đêm người dân phải gõ cửa nhà tôi để phàn nàn”.
 
Xác nhận điều này, ông Lê Văn Hoanh, tổ trưởng tổ 33A, cho biết người dân trong tổ không đồng ý với việc đặt điểm trung chuyển bùn hầm cầu trong khu dân cư và kiến nghị phải di dời hoặc đóng cửa điểm trung chuyển này trước Tết Nguyên đán.
 
Ông Linh cho biết ông không lường trước được phản ứng từ phía người dân cũng như không cố tình đặt điểm trung chuyển trong khu dân cư vì đường sá đi vào không được thuận tiện. Khi thuê mặt bằng để làm trạm trung chuyển, đơn vị đã cẩn thận thiết kế bên dưới bồn có lớp lót và quanh bồn được quấn vải chống gỉ nên không thể rò rỉ ra môi trường.
 
Tuy nhiên, người dân đã phản đối thì đơn vị cũng rất muốn di dời đến một nơi nào phù hợp quy hoạch, vì vậy mong cơ quan chức năng xem xét và giải quyết cho DN một nơi đầu tư mới.
 
Ông Linh khẳng định: “Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng về địa điểm di dời, tôi sẽ nhờ các chuyên gia môi trường tư vấn để làm giảm mùi hôi”.
 
Mới đây, Công ty TNHH Xử lý chất thải Hòa Bình đã gửi tờ trình đến Sở Tài nguyên - Môi trường “cầu cứu” thay cho DN Dương Duy trước nguy cơ điểm trung chuyển phải đóng cửa.
 
Qua đó, công ty này đề xuất đưa điểm trung chuyển này về trạm trung chuyển rác Gò Vấp. Sở Tài nguyên - Môi trường đang làm việc với DN và người dân phường 14, Gò Vấp để đưa ra hướng giải quyết.
Bài và ảnh: THU SƯƠNG

Giày Đại Phát solution
Số người online:
8880
Số người truy cập:
9359475