Chủ tịch UBND các quận huyện có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên địa bàn; đồng thời phải có kế hoạch khắc phục và kiên quyết xử lý những cơ sở sai phạm bằng nhiều biện pháp, kể cả truy tố trước pháp luật.
UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương phải có phương án định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó hạn chế phát triển dịch vụ nhạy cảm như quán karaoke, quán nhậu, nhà hàng... Nếu sai phạm lãnh đạo UBND các quận huyện sẽ phải chịu trách nhiệm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ rà soát lại quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có tệ nạn xã hội.
Cơ quan chức năng kiểm tra một nhà hàng trên đường Ngô Văn Nam (quận 1, TP HCM). Ảnh: An Nhơn. |
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và UBND các quận huyện tăng cường thành lập thêm đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm.
Hiện nay, TP HCM có 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với hơn 20.000 nữ tiếp viên. Trong đó có 90 vũ trường, gần 900 nhà hàng và quán karaoke, trên 3.000 khách sạn, gần 13.000 cơ sở kinh doanh massage, hớt tóc thanh nữ, cà phê... Bên cạnh các hoạt động lành mạnh cũng xuất hiện nhiều hình thức mại dâm biến tướng tinh vi.
Các cơ sở kinh doanh nhạy cảm này tập trung tại 54 tuyến đường trọng điểm của thành phố, như Ngô Văn Năm, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Cộng Hòa (quận Tân Bình), công viên Hòa Bình, Văn Lang (quận 5)...
Tá Lâm