Dịch vụ cầm đồ nhộn nhịp mùa Euro

Đầu giờ sáng gần 40 hiệu cầm đồ trên phố Đặng Dung dài chưa đầy 500 mét các chủ hiệu đã đồng loạt mở cửa. Hiệu nào cũng vài nhân viên đứng vắt vẻo sau những chiếc tủ kính chứa đầy các loại điện thoại di động. Dưới lòng đường chốc lát lại một chiếc xe máy đỗ lại.

Đắn đo ít phút, vị khách cũng đồng ý cầm cố cho chủ quán chiếc điện thoại 3230 vẫn còn 70% giá trị, trước đây phải bỏ 5 triệu đồng để mua. Nhận tiền từ tay chủ hiệu, vị khách cho hay: "Đêm nay sẽ "nướng" hết số tiền này cho đội Ý, hy vọng sẽ gỡ gạc chút đỉnh".


Sau mỗi trận đấu mùa giải Euro, lượng khách đến phố Đặng Dung lại tăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Khuân mặt hốc hác, giọng khê nồng sau trận đấu Thổ Nhĩ Kỳ - Cộng hoà Czech, Tuân, một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói như thanh minh với chủ quán “Phút thứ 74, phần thắng chắc trong tay, thế mà thằng Thổ Nhĩ Kỳ lội ngược dòng. Chỉ vì thằng Nihat mà anh mất trắng 3 củ (3 triệu đồng)”. Kể từ khi trái bóng Euro lăn, đây là lần thứ 2 Tuân mang N95 cho đi "ở". Tuy nhiên, cứ sáng hôm sau, thắng hay thua, anh này đều ra "nhổ" về....

Từ đầu mùa Euro đến nay lượng khách đến với hiệu cầm đồ ngày càng đông, nhiều thanh niên cũng nhanh tay thuê những khoảng đất trống đầu các ngách, hẻm làm cửa hàng. Mỗi mét vuông giá 3 triệu đồng nhưng cũng phải tranh nhau. “Chúng nó làm nghề này kiếm lắm. Ngày chỉ cần giao dịch vài con dế là vô tư ngồi chơi xơi nước cả ngày”, bà chủ quán nước chè đầu con phố này nói.

Không sầm uất như tuyến phố Đặng Dung, nhưng mùa Euro này cũng khuấy động hàng trăm cửa hàng cầm đồ dọc các tuyến đường Bạch Mai, Láng, Nguyễn Trãi. Từ chiếc thắt lưng, ví da, điện thoại, ti vi, laptop, xe đạp đến những xe ga đắt tiền như LX, SH cũng có mặt tại các cửa hàng. Để câu khách, nhiều chủ cửa hàng trưng tấm biển lớn “Cầm đồ lãi xuất thấp”. Thời gian hoạt động phục vụ khách hàng 24/24h.

Một số chủ hiệu cho rằng, ngoài tố chất máu mặt, đủ tiền để quay vòng, các hiệu cầm đồ đều phải có những “chuyên gia” kinh nghiệm để thẩm định giá trị mặt hàng đó. Nếu hớ, chủ đồ đó sẽ không bao giờ quay lại chuộc.

Mùa Euro, các hiệu cầm đồ khu vực Phùng Khoang, gần ký túc xá Mễ Trì cũng trở nên nhộn nhịp. Khách hàng chủ yếu loại dịch vụ này phần lớn là sinh viên.


Lượng khách đến giao dịch khu phố nhỏ cũng nhộn nhịp. Ảnh: Hoàng Hà.

Hỉ hả cầm 15 triệu đồng từ quán cầm đồ trên phố Vũ Hữu (Thanh Xuân), Hải Anh sinh viên ĐH Hà Nội (con một đại gia đất Cảng) cho biết, số tiền này vừa cắm con xe LX. Để thêm hưng phấn theo dõi các trận mùa bóng Euro năm nay, chàng sinh viên năm cuối cho hay, nhiều sinh viên trọ cùng dãy cũng cho xe đạp, laptop. Nhiều người không còn cơ hội để chuộc lại những món đồ đó.

Một chủ cầm đồ gần KTX Mễ Trì bật mí “Từ khi có Euro đến nay, mỗi ngày ít nhất anh cũng nhận vài xe đạp, 2 -3 laptop và cả những chú dế vẫn còn thời gian bảo hành. Càng vào vòng sâu, cửa hàng càng có nhiều khách đến gõ cửa”. Để có tiền quay vòng, các cửa hàng đều có quy định, sau 15 ngày, chủ không đến lấy, cửa hàng có quyền thanh lý.

Thấy hai vị khách trẻ tần ngần với mức lãi 5.000 đồng một ngày (vay 1 triệu đồng), ông chủ cầm đồ gần 60 tuổi trên đường Láng chấn an, “Ham gì lãi thấp. Đồ bị đổi lúc nào không hay”. Nói xong, người đàn ông này đưa một bọc tiền mệnh giá 100.000 cho khách.

"Hai trận vòng bảng vừa qua, tôi đã mất 2 chai (2 triệu đồng) với thằng Ý. Bị dồn đường cùng, trận cuối, Ý chắc sẽ thắng Pháp ", cậu thanh niên nói, tay cầm tập tiền đập đập vào lòng bàn tay tỏ ý cay cú.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9823
Số người truy cập:
9253485