Năm 2009, Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng vận động nhân dân hiến tặng giác mạc nhân đạo, đem lại ánh sáng cho người mù. Trong khi các địa phương khác loay hoay để đạt chỉ tiêu, thì người dân xã Hòa Nhơn nhiệt tình tham gia.
Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho biết: Ngay sau khi kết thúc cuộc vận động (tháng 8-2010), thật bất ngờ cả 15 thôn trong xã có tới 105 người tình nguyện tham gia. Có một sự chuyển biến lớn trong suy nghĩ, tâm lý của người dân, kiểu như “bước qua lời nguyền” vậy.
“Ngay cả khi mình chết rồi vẫn có thể cứu giúp được mọi người thì tại sao lại từ chối. Một đôi mắt của người chết lại có thể đem ánh sáng cho hai người bất hạnh thì đó là điều đáng để tự hào” – ông Trần Công Tương (63 tuổi) bộc bạch.
Ông Trần Công Tương vận động người dân trong thôn tình nguyện hiến giác mạc
Ông Tương nguyên là Chi hội trưởng chi hội Chữ Thập đỏ thôn Thanh Nham Tây (Hòa Nhơn). Cả hai vợ chồng ông đều hăng hái đăng ký hiến giác mạc ngay trong đợt đầu vận động. Việc làm của gia đình ông tạo niềm tin trong dân, khiến 10 hộ trong thôn, trong đó có 3 hộ cả hai vợ chồng, đăng ký tham gia.
Ông kể: Ban đầu cũng có nhiều người còn dè dặt vì họ nghĩ con người ta khi chết đi là đầu thai qua kiếp khác. Nếu không giữ được toàn thây thì chết xuống đó rồi lại bất hạnh. Hơn nữa họ nghĩ khi hiến giác mạc là bị “móc” đi cả con mắt của người đã khuất nên ái ngại. Nhưng sau khi phân tích cho họ hiểu đó là một nghĩa cử đẹp, và không hề ảnh hưởng gì tới người đã khuất thì mọi người hưởng ứng nhiệt tình lắm.
Vợ chồng ông Hồ Thêm, 66 tuổi và bà Trần Thị Xuyến 65 tuổi ở thôn Thanh Nham Tây đều đăng ký hiến tặng giác mạc. “Vợ chồng làm nông, không hiểu biết nhiều nhưng được vận động, biết đây là nghĩa cử cao đẹp, sau khi một người chết đi có thể cứu đôi mắt cho hai người bất hạnh thì tôi cảm thấy hài lòng lắm” - ông Thêm nói.
Bà Xuyến tiếp lời: “Trước kia, nghe mọi người nói hiến giác mạc tôi sợ lắm, cứ nghĩ ngay cả khi chết rồi còn bị người ta moi móc, chẳng yên thân. Giờ tui mới hiểu ra mình chỉ cho đi phần lớp mỏng phía ngoài con ngươi. Rất nhiều người cần tới nó để có đôi mắt sáng mà sống vui vẻ hơn”. Hai ông bà đã họp gia đình căn dặn con cháu thực hiện ước nguyện cuối đời của mình như một cách để răn dạy thế hệ sau sống tốt hơn.
Hiến để thấy cuộc sống còn nhiều niềm vui
Chị Võ Thị Thanh Nhàn (46 tuổi), kể: “Ngay cạnh nhà tôi có cậu bé còn rất trẻ mà sớm bị mù lòa. Tội lắm, đi không thấy đường, hồi nãy suýt bị xe tông vì qua đường một mình. Mất đi đôi mắt xem như mất nửa cuộc đời bởi không thể nhìn thấy được gia đình, người thân”.
Chồng mất cách đây 6 năm do tai biến, chị một nách nuôi 6 người con bằng nghề nông và bán rau lẻ: “Cuộc sống này không mấy ai được hoàn hảo, nên tựa nhau mà sống, giúp được gì cho họ trong khả năng của mình thì cứ giúp thôi”.
Hai vợ chồng nông dân Nguyễn Phan và Nguyễn Thị Hương cũng không nấn ná khi tham gia, bởi theo anh Phan: “Chết là hết. Nhưng chết đi mà để cho người khác hưởng cái phần ánh sáng của mình cũng như mình vẫn còn trên cuộc đời này. Hơn nữa, làm một việc có ích để con cháu sau này hưởng cái phúc cũng đáng lắm chứ”.