Để các nàng luôn có giấc ngủ ngon

Độ tuổi 20-30

 
Tuổi đang xuân phơi phới mà cứ mất ngủ thì trước hết, bạn hãy kiểm tra tuyến giáp. Các bà mẹ mới sinh con thường cho rằng sự uể oải hoặc tình trạng mất ngủ là do họ dành nhiều thời gian và công sức để chăm sóc con. Tuy nhiên, bác sĩ Laura Corio (New York – Mỹ) khẳng định thủ phạm thực sự ở đây là tuyến giáp, và mọi sự khởi đầu từ sự hoạt động tích cực của tuyến giáp. 
 
Sau hai tháng mất ngủ, cơ thể bạn có thể chuyển sang tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp, trong đó tình hình thiếu hormone tuyến giáp làm các chức năng của cơ thể hoạt động chậm lại, khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Nếu quá bồn chồn lo lắng không thể ngủ được, bạn hãy đến gặp bác sĩ.
   
Ảnh minh họa: Internet
    
Điều quan trọng thứ hai là hãy từ biệt nỗi buồn – điều mà phụ nữ dễ mắc trong độ tuổi sinh đẻ. Không chỉ nỗi phiền muộn, một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể có tác dụng phụ liên quan đến giấc ngủ, có thể gây ra các trục trặc về giấc ngủ.
 
Tiến sĩ Donna Arand, Giám đốc Trung tâm Điều trị rối loạn giấc ngủ ở Dayton, bang Ohio (Mỹ), đề nghị cách điều trị chứng mất ngủ do trầm cảm gồm hai phần. Thứ nhất là liệu pháp hành vi liên quan đến nhận thức để đặc trị mất ngủ và các thói quen xấu liên quan đến giấc ngủ. Thứ hai là song song với liệu pháp trò chuyện giúp giảm bớt trầm cảm, thì dùng thuốc hoặc điều chỉnh thuốc thích hợp.
 
Độ tuổi 40
 
Hãy để ý xem bạn thường tỉnh giấc vào thời điểm nào trong đêm. Nếu là thức giấc để đi tiểu nhiều hơn thì chớ cho rằng đó là dấu hiệu của sự lão hóa, vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiểu. 
 
Các nhà chuyên môn cho biết mức độ estrogen giảm sút ở giữa độ tuổi 40 dẫn đến tình trạng vách âm đạo và bọng đái mỏng đi, điều đó sẽ khiến cho phụ nữ gần đến thời kỳ mãn kinh dễ bị nhiễm trùng. 
 
Ngoài ra, phụ nữ ở giai đoạn đầu độ tuổi 40 thường năng động về tình dục nên có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Bạn hãy đến bác sĩ nếu nhận thấy thói quen tiểu tiện có thay đổi. 
 
Một điều cần chú ý là giấc ngủ sâu sẽ giảm đi ở cuối độ tuổi 40 khiến phụ nữ thức giấc giữa đêm thường xuyên hơn. Thế nhưng, việc tập luyện có thể giúp bạn nhiều hơn vì gắng sức trong tập thể dục, sẽ giúp bạn dễ ngủ sâu hơn. Mỗi ngày, phụ nữ trung niên nên tập những động tác thể dục vừa phải khoảng 30 phút.
 
Từ 50 tuổi trở lên
 
Hãy lưu ý đến các loại thuốc sử dụng. Các loại thuốc uống điều trị cao huyết áp và cholesterol có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ; thuốc lợi tiểu (để trị tăng huyết áp) có thể buộc bạn phải vào phòng tắm nhiều lần trong  đêm. Nếu được bác sĩ cho phép, hãy dùng thuốc vào buổi sáng thay vì chiều tối. 
 
Ngoài ra, nếu bạn là người ngáy to, không chỉ người chung giường bị mất ngủ mà bản thân bạn cũng gặp nhiều nguy cơ khác về sức khỏe. Ngáy kinh niên là dấu hiệu chính của chứng ngừng thở khi ngủ. Chứng này có thể gây ra một số hậu quả, chẳng hạn như làm xấu đi hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường, huyết áp cao hoặc đột quỵ.
 
Tiến sĩ Donna Arand cho rằng nguy cơ phát triển chứng ngừng thở trong lúc đang ngủ tăng lên sau thời kỳ mãn kinh khi mức độ hormone progesterone giảm xuống.
 
Điều đặc biệt cần chú ý là trong giai đoạn mãn kinh, phụ nữ thường tăng cân và tình trạng dư cân cũng là một yếu tố nguy cơ lớn đối với chứng ngừng thở khi ngủ. Trong một số trường hợp, giảm cân có thể có tác dụng chữa trị sự rối loạn này. 
 
Bạn hãy trình bày với bác sĩ các vấn đề về giấc ngủ. Nếu được chữa trị, bạn có thể ngủ yên giấc hơn dù đã trong độ tuổi 50.
TẦM XUÂN (theo Health)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1562
Số người truy cập:
9033777