. Phóng viên: Đại hội Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đại hội XI sẽ đặt ra và quyết định những vấn đề quan trọng nào, thưa ông?
- TS Nguyễn Thế Kỷ: Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đồng thời, chúng ta vừa đứng trước thời cơ mới vừa đối mặt với những thách thức to lớn trong môi trường quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu và nhiệm vụ lớn lao của Đảng hiện nay là lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước quá độ lên CNXH.
Là đại hội thường kỳ 5 năm họp một lần, Đại hội XI có tính lịch sử và ý nghĩa rất to lớn bởi Đảng sẽ bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; xác định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020; bàn và quyết định những chủ trương, chính sách lớn trên tất cả các lĩnh vực nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; bầu Ban Chấp hành Trung ương.
. Thưa ông, trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được bổ sung tại Đại hội XI, vị trí và vai trò của các thành phần kinh tế sẽ được xác định thế nào?
- Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) cơ bản kế thừa nội dung của Cương lĩnh 1991, có bổ sung và phát triển quan trọng.
Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở VN là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để VN trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Dự thảo cương lĩnh xác định các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố. Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Các thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện để phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lạnh mạnh. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại một công ty cổ phần ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
. Đại hội XI sẽ xác định ra sao về chiến lược phát triển 10 năm tới của đất nước?
- Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2021 xác định quan điểm phát triển đất nước là phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu xuyên suốt; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng một nước VN XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao...
Những quyết sách quan trọng
Chủ đề của Đại hội XI là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội sẽ thảo luận và thông qua: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI; Báo cáo tổng kết việc thi hành điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng; bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XI, nhiệm kỳ 2011-2015.
|
Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2020, VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI nêu một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu 5 năm 2011-2015, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7%-7,5%; GDP đầu người năm 2015 là 2.000 USD, gấp khoảng 1,7 lần năm 2010.
. Nhân sự là một vấn đề rất quan trọng tại mỗi kỳ đại hội, vậy thành viên Ban Chấp hành mới có những tiêu chuẩn như thế nào?
- Đại hội XI sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh vững vàng, có phẩm chất đạo đức; có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có uy tín trong Đảng, trong xã hội; có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
. Ông có thể cho biết rõ hơn về số lượng, cơ cấu, độ tuổi?
- Sẽ phấn đấu tăng tỉ lệ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc và cán bộ khoa học trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, bảo đảm có tính kế thừa, số mới không dưới 1/3 và có 3 độ tuổi: Dưới 40 đối với vị trí ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, dưới 55 với ủy viên chính thức và độ tuổi 60 đối với ủy viên Bộ Chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã tích cực chuẩn bị để đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới trên tinh thần có số dư để bầu. Số lượng trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới khoảng 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết và Bộ Chính trị khoảng 15-17 đồng chí.