Ông Nguyễn Xuân Thành là giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chuyên gia về cơ sở hạ tầng và đầu tư công.
Nhiều đoạn quốc lộ 1A xuyên qua đô thị đông đúc dân cư sẽ rất khó mở rộng. Trong ảnh: quốc lộ 1A đoạn đi qua Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: Thuận Thắng |
* Ông có thể phân tích kỹ hơn những lý do khiến ông phát biểu như vậy?
- Bắt đầu bằng địa lý, ai cũng thấy VN có hình dáng trải dài, bề ngang hẹp, trục giao thông toàn quốc chỉ có và chỉ cần một trục chính là Bắc - Nam. Chỉ cần phát triển một con đường chính theo trục này, từ đó phát triển các đường nhánh tỏa ra các địa phương là đã có một hệ thống giao thông hoàn hảo, tiết kiệm.
Quốc lộ 1A hiện tại đi chính trên trục này, dù có mở rộng, nó vẫn không phải là trục giao thông chính của tương lai được. Vì sao? Vì quốc lộ 1A đang đi xuyên qua các đô thị, và ách tắc cũng chính ở các điểm xuyên qua đô thị.
Trên quốc lộ của chúng ta đang có xe tải, xe khách, xe du lịch, xe máy, xe đạp, xe công nông, lại có cả người đi bộ, có cả nhà máy, trường học, chợ, lại cả gia súc nữa. Ách tắc là vì vậy, tai nạn giao thông nhiều cũng vì vậy.
Mở rộng quốc lộ 1A có giải quyết được các vấn đề đó không? Câu trả lời là không vì chủ trương mở rộng không nhắc tới các giải pháp đồng bộ về quy hoạch đô thị, và nếu có nhắc tới cũng không thể giải quyết được.
Hàng triệu người dân đang mưu sinh với chính tuyến quốc lộ 1A không thể tách rời cuộc sống của họ ra khỏi con đường, các thành phố, thị xã cũng không thể di dời. Mở rộng có chăng là đẩy mọi người, mọi thứ ra xa hơn một chút, và rồi với sự phát triển dân số, mọi việc quay lại từ đầu.
Nói văn vẻ một chút thì đó là số phận của quốc lộ 1A rồi.
* Vậy trục giao thông Bắc - Nam sẽ phải là một con đường khác?
- Dĩ nhiên là con đường khác. Chính là đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch từ Hà Nội đến Cần Thơ dài hơn 1.800km, 16 đoạn tuyến với quy mô 4-8 làn xe, dự toán đầu tư trên 300.000 tỉ đồng.
Đường cao tốc sẽ vòng tránh qua các khu đô thị, giải được bài toán giao cắt với đường nội bộ, chen lấn với khu dân cư. Theo kế hoạch đề ra, đường cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2020, khi đó quốc lộ 1A sẽ trở thành đường phụ, đường địa phương, sử dụng khi xe di chuyển trên đường cao tốc cần rẽ vào đô thị.
Thử tưởng tượng khi hai dự án thực hiện song song, cùng hoàn thành theo đúng tiến độ, quốc lộ 1A vào năm 2016, cao tốc Bắc - Nam năm 2020, có phải sau năm 2020 chúng ta sẽ thấy việc đầu tư mở rộng quốc lộ 1A là thừa thãi và lãng phí không?
Hiện giờ đường cao tốc Bắc - Nam mới hoàn thành xong phân đoạn TP.HCM - Trung Lương là đúng chuẩn cao tốc. Đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ đang nâng cấp. Đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình mới thông xe kỹ thuật một phần và đang tiếp tục thi công. Phân đoạn lớn nhất là Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đang thi công...
Việc tiến hành làm đường cao tốc có chậm trễ, chưa giải quyết được ách tắc giao thông là do thiếu vốn, chi phí quá cao, khó khăn trong hoàn vốn nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân. Mà càng chậm trễ, chi phí càng đội lên. Bài toán khó lại càng khó.
Việc mở rộng quốc lộ 1A chắc chắn cũng sẽ gặp những khó khăn như thế: khó huy động và thu hồi vốn, vướng mắc giải tỏa đền bù... và như đã phân tích ở trên: giải quyết tình thế một vài điểm ách tắc thì tốt, mở rộng toàn tuyến là lãng phí. Nếu có nhà đầu tư vào mở rộng quốc lộ 1A theo hình thức BOT thì cứ làm, còn nếu cuối cùng vẫn là vốn của Nhà nước, chi bằng đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
* Trong việc đẩy nhanh tốc độ giao thông Bắc - Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc đầu tư chưa đạt hiệu quả kinh tế?
- Vâng, đó là việc đầu tư quá lớn cho đường Hồ Chí Minh. Được đầu tư như một con đường huyết mạch, song song với quốc lộ 1A về phía tây, đường Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ phát triển thành đường cao tốc, đẩy tốc độ giao thông, phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng... Nhưng rồi mỗi mùa mưa bão, con đường này lại sạt lở trầm trọng khiến các mục đích đều không đạt được.
Ở một nước nghèo như VN, việc đầu tư dàn trải, thiếu phối hợp, thiếu đồng bộ, không có thứ tự ưu tiên hợp lý sẽ gây lãng phí rất lớn. Dàn trải có nghĩa là mọi thứ đều dở dang, kéo dài, đội chi phí lên cao, kéo hiệu quả xuống thấp và còn gây ra chồng chéo, mâu thuẫn giữa các công trình với nhau nữa.
* Vậy theo ông, các dự án giao thông nên được ưu tiên đầu tư theo thứ tự nào?
- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường hàng không theo vùng (không phải mở sân bay ở mỗi tỉnh) và đường vận tải xe lửa giá rẻ.
Hai con đường, hai dự án chạy song song Theo văn bản thông báo về chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 1A giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo thực hiện để sớm hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016. Tháng 2-2012, Thủ tướng chỉ thị cho Bộ GTVT thực hiện cải tạo, mở rộng 1.446km quốc lộ 1A từ Hà Nội tới Cần Thơ, quy mô sáu làn xe với số vốn 126.415 tỉ đồng. Theo đó, toàn tuyến quốc lộ 1A sẽ được mở rộng thành bốn làn cho xe cơ giới, hai làn cho xe máy và có dải phân cách cứng ở giữa; riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô bốn làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau. Trước đó, tháng 1-2010, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.811km, bao gồm 16 đoạn tuyến với quy mô 4-8 làn xe, tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2020. |
PHẠM VŨ thực hiện
Cần mở rộng nhưng phải khả thi Từ năm 1993 chúng ta bắt đầu có những dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng có hai làn xe từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Mục tiêu mở rộng đường thành hai làn xe (12m) đã cơ bản xong, và đang tiếp tục hoàn thành nốt một số dự án cầu ở phía Nam. Thời gian thực hiện các dự án này mất gần 20 năm, vốn liếng cộng lại rất lớn. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta thực hiện việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A trong bối cảnh có nhiều thuận lợi khi Mỹ vừa bỏ cấm vận, nhiều quốc gia, tổ chức chú trọng tài trợ cho hưởng vốn vay ưu đãi; đất nước đang phát triển nên công tác giải phóng mặt bằng chưa phải bức xúc nổi cộm, mật độ dân cư dọc quốc lộ thưa. Bối cảnh hiện nay rất khác, khả năng vay mượn khó khăn hơn. Trong khi đó, xấp xỉ một nửa chiều dài quốc lộ 1A hiện nay phố hóa, mật độ dân cư đông đúc. Vì thế, khi phê duyệt các quy hoạch giao thông vận tải, Chính phủ thể hiện ưu tiên phát triển đường cao tốc. Mục tiêu này thể hiện rất rõ và đang triển khai, nhưng thực tế vấp phải vấn đề vốn hết sức khó khăn, khả năng của các nhà thầu, khả năng quản lý triển khai dự án trong một số năm qua thấy nhiều khó khăn. Trong lúc quốc lộ 1A mãn tải sau gần 20 năm thực hiện các dự án mở rộng. Vì vậy, giải pháp trước mắt mở rộng quốc lộ 1A là cần thiết. Trước đây mở rộng quốc lộ 1A kêu gọi tài trợ được nhưng mất gần 20 năm thực hiện. Bây giờ để làm việc này thì cần đề án có đầy đủ luận cứ khoa học chứ không phải vì thấy bí quá mà làm. Để thực hiện đề án, trước hết cần giao cho tư vấn, chuyên gia có kinh nghiệm làm một cách khả thi chứ không thể nói theo ý chí được. Phải có đánh giá tổng quan việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A lên 12m trong gần 20 năm qua đã làm để có số liệu chuẩn xác và kế hoạch hành động, tổng mức đầu tư cho lần này. Theo tôi, trên thực tế có nhiều khâu trở ngại lớn phải tháo gỡ về chính sách, mà trước hết là việc giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng. Nếu không thì không thể làm trong thời gian bốn năm mà vốn liếng không có và không đảm bảo an sinh xã hội. TUẤN PHÙNG ghi |