Đắt đỏ như quần áo trẻ em Made in Vietnam


> Dầu ăn sốt giá

"Một chiếc áo phao kiểu công chúa dành cho bé gái khoảng 4 - 5 tuổi đã có giá 745.000 đồng, trong khi cái áo len gile nhãn Mango màu cam pha xám cho trẻ 4 tuổi có giá đã gần 400.000 đồng. Đắt hơn cả quần áo người lớn nên rất khó mua", chị Hà thốt lên.

Năm ngoái, chị đi quần áo cho con thì áo phao đắt nhất chỉ khoảng 500.000 đồng; áo len có nhãn Mango, Zara… thường dưới 300.000 đồng.

Còn chị Lan Phương ở phố Sơn Tây chia sẻ, vào shop quần áo trẻ em Made in Vietnam, với số tiền khoảng 300.000 đồng trong tay, chị không biết nên chọn mua gì. "Rẻ nhất khoảng hơn trăm nghìn đồng một sản phẩm, đắt thì lên đến vài trăm, hàng triệu đồng nên khó mua", chị nói.

Theo chị Phương, nếu so với năm ngoái, giá đồ trẻ em năm nay cao hơn không quá nhiều. Mức chênh lệch chỉ khoảng vài chục nghìn đồng đến hơn trăm nghìn đồng tùy sản phẩm. Nhưng vì đúng vào thời điểm bão giá cuối năm, nên với mức giá trên, những người có thu nhập trung bình trở nên dè dặt hơn trong mua sắm.

"Gạo, dầu ăn, thịt cá, rau củ... đều tăng giá, phải chắt bóp chi tiêu nên không dám vung tay sắm đồ cho con như các năm trước", chị Phương nói.

Mua áo ấm cho con, không ít người cảm thấy ngán ngẩm vì mức giá cao chót vót của một số loại áo Made in Vietnam. Ảnh: Tuệ Minh
Mua áo ấm cho con trong mùa đông, không ít người cảm thấy ngán ngẩm vì mức giá cao chót vót của một số loại quần áo Made in Vietnam. Ảnh: Tuệ Minh

Chị Thanh Hương, bán hàng quần áo trẻ con ở một shop trên phố Cầu Giấy cho hay, một chiếc áo phao ấm dành cho trẻ từ 1 đến 6 tuổi có gắn nhãn các thương hiệu như GAP, Mango, Zara, Old Navy… có giá lên tới cả triệu đồng.

Từ hôm Hà Nội rét đậm, cửa hàng nhà chị cũng đông khách hơn. Nhưng thay vì mua áo Made in Vietnam, không ít người đã chọn hàng xuất khẩu loại hai hoặc hàng Trung Quốc loại tốt vì mức giá rẻ hơn từ 20 -50%.

Tuy nhiên, chị Hương lưu ý, hàng Made in Vietnam cũng có hàng gia công, nhái sản phẩm xuất khẩu nhưng đường may không cẩn thận bằng.

Chủ cửa hàng quần áo trẻ em trước cửa Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc) cũng cho hay, mặt hàng bán chạy hơn cả trong vòng hai tuần trở lại đây là hàng "Trung Quốc xuất khẩu" vì giá rẻ hơn.

Bộ liền nỉ dành cho trẻ sơ sinh có giá 125.000 đồng được quảng cáo là hàng Trung Quốc xuất khẩu. Mức giá rẻ hơn khá nhiều so với hàng Made in Vietnam. Ảnh: Tuệ Minh
Bộ liền nỉ dành cho trẻ sơ sinh có giá 125.000 đồng được quảng cáo là hàng Trung Quốc xuất khẩu. Mức giá rẻ hơn khá nhiều so với hàng Made in Vietnam. Ảnh: Tuệ Minh

Chẳng hạn, bộ liền Made in Vietnam chất nỉ dành cho trẻ sơ sinh đến 2 tuổi thường có giá khoảng 250.000 đồng đến 400.000 đồng. Trong khi đó, hàng "Trung Quốc xuất khẩu" giá chỉ khoảng 125.000 đồng đến hơn 200.000 đồng.

Áo phao Made in Vietnam cho bé gái 6 tuổi có giá không dưới 500.000 đồng, thì loại áo màu hồng phấn nhạt, kiểu dáng diêm dúa hàng "Trung Quốc xuất khẩu" chỉ hơn 300.000 đồng. Chị cho hay, từ đầu tuần đến nay, bán được khoảng gần 20 cái áo loại này và sẽ nhập hàng với số lượng nhiều hơn trong 1- 2 ngày tới vì có nhiều đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, chị Thanh Hải, có thâm niên hơn chục năm bán quần áo trẻ em tại phố Nghĩa Tân tiết lộ, người tiêu dùng cần cảnh giác với những loại quần áo được quảng cáo là hàng "Trung Quốc xuất xịn" nói trên. Theo chị Hải, hàng nhập từ Trung Quốc cũng được phân ra nhiều loại và có chất lượng khác nhau, với các mức giá khác nhau.

Chị cho biết, nếu mua được hàng loại một thì không sao, nhưng mua phải hàng loại ba, bốn thì chẳng bao lâu mà hỏng, rách dù trông mẫu bên ngoài như hàng xịn. "Nếu có điều kiện, tôi nghĩ vẫn nên mua cho con hàng Made in Vietnam, nhưng cần chọn những điểm bán hàng uy tín để chắc chắn mua được hàng xịn chứ không phải hàng xuất khẩu nhái", chị Hải nói.

Theo chị, để đối phó với bão giá, phụ huynh vẫn có thể mua quần áo Trung Quốc. Tuy nhiên, theo lời khuyên của chị, yếu tố người tiêu dùng nên đặt lên hàng đầu là chất lượng, chứ không phải là kiểu dáng bắt mắt hay mức giá rẻ.

Tuệ Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16798
Số người truy cập:
9263747