Đại Việt sử ký toàn thư kể rằng năm Hưng Long thứ tư đời Trần Anh Tông (1296), vào tháng ba, khi biết quan thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, vua đã ra lệnh "đánh chết".
Dù pháp luật nhà Trần xử nghiêm hành vi đánh bạc nhưng đến đời Dụ Tông thì nhà vua lại công nhiên tổ chức. "Người trong nước bắt chước cái dở ấy thành ra không thể ngăn cấm được nữa. Cờ bạc thành tệ nạn rồi dẫn đến mất nước", nhà sử học Phan Phu Tiên viết.
Sách sử chép rằng năm 1362, vua "chiêu tập các nhà giàu trong nước ở làng Đình Bảng (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), làng Nga Đính thuộc Quốc Oai (Hà Nội ngày nay)... vào trong cung đánh bạc làm vui".
Vì vua Dụ Tông mải mê ăn chơi, thích uống rượu, cờ bạc, hát xướng, bắt nhân dân xây cất cung điện, vườn hoa, hồ cá khó nhọc nên trăm họ khổ cực. Khi vua Dụ Tông mất, Dương Nhật Lễ là người khác họ lên ngôi. Họ Trần vất vả mới giành lại được ngai vàng. Nhưng sau các đời Duệ Tông, Phế Đế, quyền lực dần rơi vào tay Hồ Quý Ly, rồi đất nước bị giặc Minh xâm lược sau đó.
Sau khi thắng giặc, năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban chỉ dụ trị tội những kẻ đánh bạc, du thủ, du thực, đàn đúm, chơi bời… nhằm động viên nhân dân chăm chỉ làm ăn, tái thiết đất nước. "Kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ thì chặt một phân ngón tay", chỉ dụ viết.
Khi nhà Lê đã ổn định quyền lực, Bộ luật Hồng Đức ban hành dưới đời Lê Thánh Tông (Lê triều hình luật) có điều 188 quy định phạt nặng kẻ tổ chức đánh bạc, dù vậy mức phạt không khắt khe như thời Lê Thái Tổ. Ai tụ tập đánh bạc bị đánh 70 trượng, phạt ba quan tiền. Người tố cáo vụ việc thì được nhận thưởng.
Ảnh minh hoạ việc xử án của người xưa. |
Từ sau khi vua Gia Long lên ngôi, triều Nguyễn cũng đã ra lệnh cấm đánh bạc. Lệnh vua ban bố rằng kẻ nào mở sòng tụ tập nhau đánh bạc bị tố giác, bị bắt được quả tang thì gia tài của chủ chứa đánh bạc bị kê biên sung vào công quỹ. Tiền bắt được tại chiếu bạc và tiền riêng của những người cùng đánh bạc được trích ra mỗi người 10 quan để thưởng cho người cáo giác. Kẻ can phạm đều xử tội mỗi người bị đánh 100 roi, đưa ra làm phu phục dịch 3 năm… Người mở sòng bị tịch thu địa điểm để sung công quỹ.
Dưới triều vua Minh Mạng, năm 1828 một đầu mục trại lính là Đỗ Bá Thố phạm tội đánh bạc, lại ép người dưới quyền vay tiền rồi xiết nợ. Vụ việc bị phát giác, vua chỉ dụ rằng: "Mưu làm việc riêng, coi thường phép nước, không gì hơn thế. Nếu chỉ phạt trượng và cách dịch thì chưa đáng tội". Thố bị phạt khá nặng với hình thức gông cổ, đem bêu ngoài cửa trại lính suốt 2 tháng, rồi sau đó đánh 100 trượng và bắt về làm lính ngay tại trại đó.
Ngoài Bá Thổ, các cấp trên của ông ta đều xử phạt lương 6 tháng. Nhà vua còn sai Bộ Hình đem chỉ dụ về vụ án này này sao ra nhiều bản đem treo ở trại lính để răn đe.
Tương tự, vào năm 1842, khi vua Thiệu Trị ngự giá ra Bắc, ở kinh thành có người lính vệ Hậu nhất quân Vũ Lâm tên Phạm Công Đạt trong một đêm đi tuần đã tự tiện bỏ nhiệm vụ, lẻn về trại ở bên trái hoàng thành mở chiếu bạc. Đạt lại còn chống trả quan quân khi bị vây bắt.
Vua Thiệu Trị khi biết chuyện đã rất tức giận, xử Đạt với hình phạt nặng hơn mức bình thường. Đạt bị đánh 80 côn đỏ, đóng gông, giải tới nhà lao chờ lệnh treo cổ.
Những người liên quan vụ việc bị giáng 2-4 cấp. Quan ngự sử Nguyễn Tuấn Phong và thự Thống chế Lê Văn Thảo do "có chức sắc mà không nghiêm trị" nên bị giáng một cấp. Viên đội suất Nguyễn Văn Doanh đi tuần đêm - người có công phát hiện tội phạm - được hưởng 5 đồng Phi Long bằng bạc.
Ông cha ta vẫn luôn răn dạy con cháu "cờ bạc là bác thằng bần", nhưng đây là tệ nạn và các triều đại phong kiến đều phải đưa vào hình luật để nghiêm trị.