Đắng lòng nữ sinh lớp 11 bị buộc làm mẹ

Căn nhà của Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1992) nằm ở cuối con phố ngoằn ngoèo, ngay sát khu đô thị sầm uất của thành phố Hải Dương. Câu chuyện bất hạnh của Chi, bấy lâu nay trở thành chủ đề bàn tán của hầu hết người dân trên địa bàn. Có người tỏ ra thương cảm trước cảnh ngộ của Chi, song cũng không ít người gièm pha, lấy câu chuyện đó để cảnh tỉnh con gái của họ…

Căn phòng của Chi nằm trên tầng 2, có một chiếc của sổ xinh xắn nhìn ra không gian bên ngoài thoáng đãng. Chi vừa mới sinh con nên sức khỏe còn chưa bình phục, song so với lúc được giải cứu từ Trung Quốc về Việt Nam thì đã khá hơn nhiều. Chi đã bớt hoảng loạn, những cơn mơ hãi hùng cũng đến ít hơn… Những ngày này, mẹ Chi là chị Phạm Thị Chín cũng đã nghỉ chạy chợ để ở nhà chăm lo cho mẹ con Chi, người mẹ ấy dường như muốn bù đắp nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần của đứa con gái tội nghiệp. Sợ Chi buồn mà ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Chín thường xuyên động viên con, nhưng những lúc bất ngờ nhìn thấy Chi thất thần nhìn ra ngoài cửa sổ, lòng chị như đứt từng khúc ruột…

Chi khá thẳng thắn khi tiếp xúc với chúng tôi, Chi bảo: “Mấy ngày nay, người đàn ông Trung Quốc và mẹ của anh ta thường xuyên gọi điện thoại về Việt Nam thúc giục em đưa con trai sang bên ấy nhưng em không đồng ý. Em dự định khi nào cháu cứng cáp, em sẽ nhờ mẹ chăm sóc con rồi tiếp tục theo học lớp 12, học thêm một chút tiếng Trung Quốc, kiếm một việc để có thể nuôi dạy con em nên người…”. Chi ngậm ngùi: "Em đặt tên cháu là Nguyễn Việt Quốc, chị ạ. Em lấy họ của mình để đặt cho cháu". Rồi Chi ôm xiết Việt Quốc vào lòng thổn thức, nước mắt của Chi cũng khiến chúng tôi, những người có mặt đều lén lau nước mắt. Chi quen Thắng khi còn là học sinh lớp 9 qua một lần lên mạng Internet. Khi đó, Chi chỉ cảm thấy thích Thắng, thích cách anh ta nói chuyện và mơ hồ thứ tình cảm thoáng qua đó là tình yêu. Sau những lần “chat chít” trên mạng, Chi và Thắng đã cho nhau số điện thoại để liên lạc. Song quả thực, Chi cũng chẳng biết Thắng làm nghề gì, tính cách thế nào và gia đình ra sao. Chi chỉ biết Thắng đang đi học nghề ở một tỉnh xa Hà Nội và nhà anh ta ở Yên Bái. Mối tình con trẻ ấy rồi cũng thoáng qua nhanh trong tâm hồn của cô nữ sinh trung học.

Chi chẳng thể quên được cái ngày định mệnh đó, ngày Chi nhận được điện thoại của Thắng rủ đi mua đồ sinh nhật để tặng một người chị họ. Vì ham vui và cũng phần vì tin Thắng, Chi đã đồng ý. Khi ấy, Chi đang là học sinh lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chi nhớ lại: Hôm đó, bố mẹ Chi đều vắng nhà, chỉ có người em trai út tên Sơn ở nhà. Linh tính như mách bảo, trước khi đi Chi đã ghi lại cho người em trai một mảnh giấy, nếu không tìm thấy chị, thì bảo cha, mẹ tìm theo địa chỉ này. Tôi ngắt ngang câu chuyện của Chi bằng một câu hỏi: “Bình thường, em đi chơi có thói quen để lại giấy tờ cho cha mẹ không?”. Chi buồn buồn: Bình thường em không bao giờ làm như vậy, nhưng không hiểu hôm đó, linh tính thế nào em lại để lại địa chỉ đó. Và đây trở thành chuyến đi định mệnh thay đổi cả cuộc đời Chi.

Nhắc lại câu chuyện cũ, đôi mắt Chi trở nên xa xăm: Khi đặt chân đến đất Trung Quốc, em biết rằng đã bị Thắng và Thanh lừa bán sang nước ngoài, em vô cùng sợ hãi. Nhưng em hiểu rằng, lúc này dù có van xin, bọn chúng cũng chẳng buông tha. Em cố gắng nhớ đường, hòng tìm cơ hội để chạy thoát ra bên ngoài, nhưng đầu óc em mụ mị, tim em đập thình thịch còn đôi bàn chân thì như muốn rủn ra… Rồi em bị tống vào một căn buồng rộng chừng 20m2, được chia thành hai căn phòng, có khu vệ sinh riêng biệt. Căn nhà này lúc nào cũng có người canh gác, một ngày hai bữa Chi được các đối tượng cho ăn, uống. Ban ngày, Chi ngồi nép mình trong góc nhà, chỉ cần một tiếng động cũng giật mình hoảng hốt. Chi chỉ dám khóc thầm vào lúc nửa đêm, vì nếu chủ nhà phát hiện sẽ bị chúng đánh cho “thập tử nhất sinh”. Những ngày ấy, Chi nhớ nhà cồn cào, cô chẳng thiết ăn uống.

Chi ở căn nhà đó được khoảng 3 ngày thì có một người phụ nữ Việt Nam tìm đến. Người này khoảng hơn 40 tuổi, chị ta nhìn Chi từ đầu đến chân, rồi hỏi: Làm sao bị lừa?... Nhưng Chi sợ hãi chẳng dám nói gì. Rồi người đàn bà đó nói rằng, sáng mai sẽ đưa cô vào Hà Nam, cho về nhà. Khi ấy, Chi tưởng cho “về nhà” là được về với mẹ, nào ngờ!

Tờ mờ sáng hôm sau, người phụ nữ đã có mặt tại phòng trọ, rồi Chi theo người đàn bà xa lạ lên một chiếc xe ô tô, ở đó người ta xì xồ nói với nhau bằng tiếng bản ngữ, Chi chẳng hiểu gì. Cô hồi hộp, lo sợ khiến tai ù cả đi. Chi cùng người phụ nữ đi khoảng một ngày, một đêm thì đến một căn nhà nhỏ. Chi ở đây được một đêm thì có 3 người gồm 2 người già và 1 người trẻ (đây chính là bố mẹ của người đàn ông Trung Quốc, đến ngắm Chi để mua về làm vợ cho cậu con trai ngoài hai mươi tuổi). Các đối tượng ngó nghiêng, quan sát Chi từ đầu đến chân. Chi không hiểu tiếng, nhưng qua cách gật gù của cả ba người, Chi hiểu họ có vẻ ưng thuận. Xế chiều hôm đó, người phụ nữ giao Chi cho cặp vợ chồng người Trung Quốc.

Giữa nơi đất khách quê người, Chi buộc phải làm theo mọi yêu cầu của họ. Người đàn bà Trung Quốc nấu cho Chi một tô mì thật to, nhưng cô chẳng thể nào nuốt được vì sợ hãi. Từ đây, mọi yêu cầu của họ đối với Chi đều bằng các ký hiệu… Chi không thể quên được tối hôm đó, khi cô bị tống vào căn phòng cho con trai của người đàn ông Trung Quốc đã mua cô về làm vợ. Nỗi đau đớn, ê chề cùng cảm giác sợ hãi tột độ khiến cô co rúm lại. Chi răm rắp như một cỗ máy, mặc cho hắn hành hạ mà nước mắt tuôn rơi lã chã. Cặp vợ chồng người Trung Quốc này vốn làm nghề trang trí nội thất nên kinh tế gia đình cũng không khó khăn. Những ngày đầu, Chi chẳng phải làm gì. Suốt ngày, cô ngồi lỳ trong phòng, đến bữa chúng mang cơm vào, chúng cũng cho Chi đi ra ngoài nhưng đi đâu cũng phải có sự giám sát của chúng. Mỗi lần bưng bát cơm, chi lại ngậm ngùi nhớ đến mẹ, đến cha mà nước mắt lã chã. Chi nghĩ rằng cô phải trốn khỏi địa ngục trần gian này, nhưng muốn vậy cô phải học tiếng Trung Quốc. Thế là Chi mày mò xem kênh hoạt hình của trẻ em, học tiếng Trung Quốc. Chi chia sẻ: “Em không dám nói với họ rằng em bị lừa bán sang Trung Quốc, vì sợ họ để ý, em sẽ không có cơ hội trốn về nước”.

Khi biết Chi có thai, vợ chồng người Trung Quốc rất quan tâm, Chi kể lại: “Nơi em bị lừa bán làm vợ là khu dân tộc nên nước sinh hoạt rất thiếu thốn, chính họ phải dùng dè sẻn từng chút nước, nhưng với em thì chẳng bị cấm đoán gì. Họ chẳng yêu thương gì em, nhưng vì muốn có cháu nội khỏe mạnh nên ép em phải ăn đầy đủ”. Và cũng từ lúc có thai, việc Chi đi lại ra bên ngoài cũng dễ dàng hơn, thậm chí Chi còn được các đối tượng cho sử dụng điện thoại để liên lac. “Đó là ngày 23 Tết âm lịch (tức ngày ông Công ông Táo ở Việt Nam), em đã lén gọi điện thoại về nước. Em nhẩm tính vào giờ đó, bố em đang ở cơ quan, còn mẹ em đang ở ngoài chợ nên đã quyết định gọi cho anh trai em, một phần nữa là vì em sợ bố còn giận em, nên không dám gọi điện thoại cho bố. Khi nghe anh trai kể về việc bố, mẹ đã đau khổ như thế nào để đi tìm em, thì em không cầm được nước mắt. Em quyết tâm phải trốn về nước cho bằng được”. Mang theo ước mơ đó, Chi âm thầm tìm kiếm cơ hội cho mình. Một lần tình cờ, Chi nhặt được chứng minh thư nhân dân của người chồng Trung Quốc. Viết tiếng Trung Quốc không dễ dàng, vì có nhiều kí tự nên mỗi ngày Chi lần mò, đánh một vài chữ, rồi nhờ người phụ nữ Việt Nam, cũng bị lừa bán sang Trung Quốc ở gần đó, xem giúp đã viết đúng hay chưa, rồi Chi gửi về cho bố mẹ.

Về phần bố, mẹ Chi từ ngày cô con gái mất tích, mẹ Chi như người ngây dại, cả gia đình lúc nào cũng sống trong bầu không khí ảm đạm u buồn. Cứ ai mách ở đâu là mẹ Chi lại lặn lội đi tìm con, người lúc nào cũng như ngây dại. Có khi, ngồi bán hàng mà tâm trí cứ để ở tận đâu, người ta trả tiền mà cũng chẳng nhận. Còn về phần bố Chi, trước mặt vợ và hai người con trai, ông cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng nước mắt người cha ấy lại chảy vào trong lòng. Vì thế, sau khi nhận được tin nhắn của Chi từ bên kia biên giới xa xôi, bố Chi đã lặn lội đến cơ quan công an, nhờ giúp đỡ đưa con gái về nước.

Khó mà diễn ra hết tâm trạng của Chi lúc bấy giờ, cô đếm từng ngày được trở về trong vòng tay yêu thương của cha, mẹ… Khi đó, nhà chồng biết chuyện Chi được công an Trung Quốc sắp đưa vào giải cứu nên đã đưa Chi lên trên núi trốn. Vốn thông minh nên Chi đã nhanh chóng biết ngay sự tình. Vậy là Chi lén nhắn tin cho công an Trung Quốc (trước khi giải cứu, công an Trung Quốc đã gọi điện thoại vào máy di động của Chi, thông báo tình hình). Và vì thế cô được Công an Trung Quốc đưa về Việt Nam. Cùng được giải cứu với Chi trong lần này, còn một cô gái Việt Nam, có cùng cảnh ngộ. Họ đưa Chi đến gần giáp biên giới thì bảo men theo đường mòn về Việt Nam. Khi ấy, Chi bụng chửa vượt mặt, hai bàn chân bị phù nề nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng cứ nghĩ đến việc sắp được về nhà, được gặp bố, mẹ là Chi và người phụ nữ có cùng cảnh ngộ lại động viên nhau phải đi thật nhanh, nếu ở giữa rừng trong đêm hôm sẽ bị rắn rết cắn, thậm chị là kẻ xấu bắt trở lại Trung Quốc…

Vui mừng được trở lại đoàn tụ chẳng bao lâu thì Chi rơi vào tâm trạng lo âu. Ngày mỗi ngày, nhìn cái bụng lùm tùm, Chi lại căm hận Thắng, gã đàn ông đồi bại đã làm thay đổi cả cuộc đời cô. Ngày Chi trở dạ, nhìn những người phụ nữ khác có chồng âu yếm, vỗ về, Chi không cầm được nước mắt. Nhưng bản năng làm mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng như một sợi dây vô hình đã níu kéo Chi trở lại với thực tại. Chi hiểu rằng cô phải đối mặt với thực tại phũ phàng này. Chi bỗng trầm lại: “Em chỉ lo sợ cháu lớn khôn, sẽ mang trong mình mặc cảm là đứa con lai, em sợ cả miệng lưỡi dư luận!”.

Chi thật bất hạnh. Chi cần lắm sự thông cảm của cộng đồng, tình yêu thương của gia đình để vượt qua được biến cố của cuộc đời.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
48089
Số người truy cập:
7529947